Làm sao anh có thể tiếp tục chịu đựng được cuộc sống giam cầm, ngày
tháng nối dài cô đơn trong những bức tường? Liệu anh có nhẫn nhịn được
cho đến ngày ra khỏi đó? Hay những góc cạnh của anh sẽ bị mài mòn cho
đến khi anh biến thành một con người hoàn toàn khác? Thậm chí tôi còn sợ
rằng anh sẽ giải thoát bản thân khi không thể kiên trì thêm được nữa.
Nhưng ngoài lo lắng ra, tôi có thể làm được gì? Có lẽ Trịnh Khải và tôi
thật sự có duyên không phận.
Đang mông lung suy nghĩ thì tiếng trống bỗng dồn dập kéo tôi trở về với
thực tại. Nguyễn Hữu Chỉnh đã thay chỗ của quan viên cầm chầu, ông vừa
cười vừa gõ trống, tư thế như một nghệ sĩ thực thụ. Tiếng hát của đào
nương lại cất lên:
“…Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu;
Vào lăng miếu lại đại thần thể dạng.
Nghe văng vẳng chốn sa trung rục rịch, bảng lảng lừa then, rút máy, giải
chúng tâm nâng một kẻ oán thù;
Thấy hiu hiu khi quốc bản lung lay, khoan thai rút cánh, kên lông, yên
trừ vị vẫy bốn người dật khoáng…”
(Trích từ bài: “Trương Lưu Hầu phú”)
Mặc dù không hiểu hết nội dung trong đó nhưng tôi có thể cảm thấy
được bài hát này thể hiện sự ngang tàng, hào khí của nam nhi, mặc dù một
lòng muốn dốc hết tài trí cho đất nước nhưng cũng chẳng thể nào thoát
được thắng thua trong chốn quan trường. Bài hát vừa hết, tiếng vỗ tay đã
râm ran. Huy quận công cất tiếng khen ngắn gọn:
- Viết hay lắm.