- Được nếu đêm nay chết thật thì chẳng có chuyện gì hết, nhược bằng
không chết thì ngày mai sẽ nói chuyện với lão tri huyện đấy!
Ông thầy nói:
- Nếu đêm nay ngài còn sống thì sáng mai xin quan cứ đến lấy thanh kiếm
chém kẻ cùng nghề vô học kia mà chém phăng đầu kẻ hèn này đi.
Áp ty nghe nói bất giác lửa giận bốc lên, lòng căm trỗi dậy, lôi tuột ông
thầy bói ra khỏi cửa hàng. Chuyện này biết tính sao đây?
Chợt có mấy người làm việc từ huyện đường bước ra ngăn Tôn áp ty, hỏi
có chuyện gì. áp ty đáp:
- Chuyện gì à? Tôi bói chơi một quẻ, thế mà lão bảo tôi ắt chết vào lúc canh
ba lẻ ba đêm nay! Tôi chẳng có bệnh tật làm sao mà canh ba lẻ ba đêm nay
lại chết được? Phải lôi lão vào huyện để xử cho ra lẽ mới được.
Mấy người kia can:
- Nếu tin bói thì có mà bán cả nhà. Sức mấy mà tranh cãi với mồm mép
xem bói kiếm ăn kia chứ!
Mấy người khuyên giải Tôn áp ty đi rồi mới quay lại trách ông thầy bói:
- Này thầy Lý, thầy gây chuyện với vị áp ty nổi tiếng đó, nghe chừng không
thể bói ở đây được nữa đâu. Xưa nay, nghèo dễ bói, hèn dễ bói, chỉ có tuổi
thọ là khó bói mà thôi. Thầy chẳng phải bố Diêm Vương, cũng chẳng phải
anh của Phán quan, sao có thể đoán sống chết đúng phăm phắp từng ngày
từng giờ như thế được? Có nói thì cũng phải nói áng chừng thôi chứ!
Ông thầy đáp:
- Nếu muốn lấy lòng người ta thì quẻ đúng sao được? Còn nếu nói thật thì
lại bị trách mắng! Thôi chỗ này đã không chấp nhận thì ắt có chỗ khác chấp
nhận?
Nói xong, thở dài rồi dọn dẹp cửa hàng, dọn đi nơi khác.
Lại nói Tôn áp ty tuy được mọi người khuyên giải song trong lòng vẫn thấy
khó chịu. Hôm ấy, sau khi ký nhận xong giấy tờ ở huyện về nhà, áp ty thấy
lòng buồn bực. Vợ áp ty thấy chồng mặt ủ mày chau thì hỏi:
- Có chuyện gì phiền não thế ông? Hẳn là giấy tờ trong huyện có gì khó xử
chăng?
- Không đâu, mình đừng hỏi nữa? - áp ty đáp.