Hai người chuyện trò về một vài công việc buôn bán. Người kia bèn giữ
Lưu quan nhân ở lại, sẵn có mâm chén bèn uống vài ba chén rượu. Lưu
quan nhân tửu lượng không cao, cảm thấy hơi hoa mắt đứng dậy từ biệt,
dặn:
- Hôm nay quấy quả bác, sáng mai phiền bác sang tệ xá bàn chuyện làm ăn.
Người bạn lại tiễn Lưu quan nhân ra tới đầu đường, rồi chào mà về, không
nói đến nữa.
Nếu người nói chuyện là người cùng tuổi, cùng lớn lên với nhau, ôm chặt
lấy lưng, gạt tay trở lại thì Lưu quan nhân không đến nỗi gặp tai họa như
thế. Thành thử Lưu quan nhân chết mà không được bằng Lý Tồn Hiếu
trong Ngũ đại sử và Bành Việt trong Hán thư!
Lại nói Lưu quan nhân vác tiền từng bước từng bước lần về nhà, gõ cửa đã
là lúc lên đèn. Dì bé Nhị Thư một mình ở nhà, không có chuyện gì xảy ra,
giữ nhà đến lúc tối thì đóng cửa ngồi ngủ gật dưới đèn. Lưu quan nhân gõ
cửa, cô nàng chẳng hề nghe tiếng, gõ một lúc lâu mới biết, tỉnh dậy, thưa
một tiếng:
- Ra đây!
Rồi đứng dậy ra mở cửa. Lưu quan nhân vào nhà, Nhị Thư đỡ tiền giúp
chồng đặt trên bàn, hỏi:
- Quan nhân mang số tiền này ở đâu về, dùng vào việc gì?
Lưu quan nhân một phần sẵn có hơi men, một phần bực mình vì vợ chậm
mở cửa, tính nói đùa dọa Nhị Thư bèn đáp:
- Nói ra chỉ e cô sợ, không nói ra thì lại phải thông báo cho cô biết. Chỉ vì
tôi trong một lúc vô kế khả thi, chẳng biết làm thế nào, đành gán cô cho
một người khách, song lại không nỡ xa cô, chỉ cầm cô lấy mười lăm quan
tiền. Nếu khấm khá lên, tới sẽ trả lãi chuộc cô về, còn nếu cứ quẫn bách
như hiện nay thì thời cũng đành vậy.
Cô vợ bé nghe thấy thế toan không tin, song mười lăm quan tiền chất đống