sẵn. Rồi sau đó, theo một dấu hiệu bí mật nào đấy, họ kín đáo tản đi, mỗi
người đều đem theo hành lý riêng: nào balô, nào cặp mà trong đó họ đựng
bánh mì, đồ hộp và những vật dụng cần thiết khác. Họ cứ thế mà phân tán
đi khắp nơi, mất hút trong những khoảng không bao la của các thảo nguyên
ven Môiuncumư.
Pêtơrukha, và cùng đi với y là Apđi và Lenca, lên đường thành một
nhóm ba người, đúng như Anh Cả đã dự tính và cho phép. Apđi vậy là vẫn
chưa thấy mặt Anh Cả, nhưng việc hắn đứng trong bóng tối chỉ huy toàn bộ
chiến dịch này thì không còn nghi ngờ gì nữa. Họ đi cùng với Pêtơrukha
đến nơi xa nhất, sát thảo nguyên Môiuncumư, trên một chiếc xe tải chạy
cùng chiều từ chi nhánh của nông trường ‘Ba Giếng’ và phải trả hai mươi
nhăm rúp – số tiền này rút trong tài khoản do Anh Cả cấp cho họ. Để đề
phòng bất trắc, họ tự bịa ra rằng họ là dân làm thuê. Apđi là thợ mộc, một
nghề hết sức cần thiết tại vùng này, vả lại, điều đó cũng phù hợp với sự thật:
anh quả thực là một thợ mộc vào loại khá, từ nhỏ, bố anh đã dạy anh nghề
này. Pêtơrukha cũng đã đề phòng bất trắc, đã cho vào balô của anh một bộ
dụng cụ thô sơ: bào, rìu, đục mà gã đã cẩn thận đem theo từ nhà đi. Còn gã
và Lenca thì gã xưng danh là thợ trát tường và thợ sơn, gã nói họ là học
sinh trường dạy nghề, đang nghỉ hè, và nay đi đến nông trường ‘Ba Giếng’
xa xôi, mãi tận thảo nguyên Môiuncumư để hành nghề, để kiếm tiền thêm
bằng cách xây nhà cho những người dân tại đó. Câu chuyện bịa đặt này
hoàn toàn giống như thật.
Trời oi bức, nhưng ngồi trên chiếc xe tải bỏ mui được gió thảo nguyên
thổi mát rượi. Thực ra, cũng như mọi con đường làng, con đường này hết
sức tồi tệ, đã vỡ nát hết.
Mỗi khi chiếc xe hãm chậm lại cạnh các ổ gà thì bụi từ dưới các bánh xe
lại bốc mù lên, chỉ còn biết xua xua đi và ho khù khụ. Điều duy nhất làm họ
dung hoà với con đường này là khoảng không bao la xung quanh khiến bất