– Ngài nói tiếp đi.
– Cứ giả sử đạo thuyết của ngươi là đúng, vậy ngươi hãy nói cho ta biết:
khi nào sẽ đến ngày hạ giới thứ hai của ngươi? Và nếu phải chờ đợi thật lâu,
lâu không thể tưởng tượng nổi thì trong đời người chẳng ích lợi là bao cho
con người. Hơn nữa, nói thật ra thì không thể hình dung được là lại có thể
đợi đến lúc xảy ra một biến cố khó tin như vậy. Hay là phải đợi bằng cách
tin một cách mù quáng? Điều đó sẽ đem lại cái gì? Điều đó có ích lợi gì?
– Những nghi ngờ của ngài thật dễ hiểu, ngài phó vương La Mã ạ. Ngài
suy nghĩ một cách thô thiển, theo kiểu trần thế, hệt như những người thầy
Hy Lạp của ngài. Xin ngài chớ mếch lòng vì nhận xét ấy của tôi. Trong khi
tôi đứng trước mặt ngài như kẻ người trần mắt thịt thì ngài có quyền tranh
luận. Vả lại, tôi với ngài khác xa nhau quá, chẳng khác gì nước với lửa. Và
những nhận định của chúng ta cũng khác nhau, chúng ta nhìn mọi thứ từ
những góc độ khác nhau.
Về chuyện khiến ngài lo lắng ấy thì như thế này… Đúng là phải đợi lâu
vô cùng mới đến ngày hạ giới lần thứ hai của tôi. Điều đó thì ngài nói đúng,
không ai có thể tiên đoán khi nào ngày ấy sẽ đến, bởi vì cái đó nằm trong ý
định của Đấng Sáng Tạo. Những gì đối với chúng ta kéo dài hàng nghìn
năm thì đối với Người có thể chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Nhưng thực
chất là ở vấn đề khác. Đấng Sáng Tạo đã ban cho chúng ta thứ của cải quý
giá nhất trên đời là lý trí. Người cũng cho phép chúng ta sống theo sự hiểu
biết của mình. Chúng ta sẽ xử dụng quà tặng ấy của Chúa Trời ra sao – đó
sẽ là câu chuyện về lịch sử con người. Chắc ngài phó vương La Mã cũng
không phủ nhận rằng ý nghĩa sự tồn tại của con người là ở sự tự hoàn thiện
tinh thần của mình, – trên đời không có mục đích gì cao hơn thế. Vẻ đẹp
của cuộc sống hợp lẽ chính là ở chỗ ngày nào cũng vươn cao hơn nữa trên
những bậc thang vô tận để đi tới sự hoàn hảo rực rỡ của tinh thần. Cái nặng
nhọc nhất đối với con người là thường xuyên làm người. Chính vì thế mà