Nhưng có lẽ, không một nhân vật nào sống trên thảo nguyên vào giờ
phút đó lại cảm thấy niềm vui tồn tại một cách sâu sắc và đầy biết ơn như
Apđi, mặc dù tình trạng sức khoẻ của anh vẫn phải khá hơn nữa.
Song Apđi lại gặp may: không khí bị hung nóng ngày hôm trước không
kịp lạnh đi về ban đêm, do đó anh không bị rét cóng. Tuy anh ướt sũng suốt
từ đầu đến chân, tuy anh vẫn đau đớn vì những vết xây xát và giập thương,
nhưng anh xem thường nỗi đau đớn đó, anh tập trung sức vào năng lực nhìn
xa thấy rộng của mình, năng lực đó tạo cho anh khả năng cảm thấy mình
đồng thời cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Anh tiếp nhận cuộc sống một cách
mới mẻ, phát hiện nó như một quà tặng của số phận và bởi vậy càng đánh
giá cao hơn nữa cơ hội được sống và suy nghĩ. Vào giờ phút đó, khi trận
mưa đã tạnh, Apđi ngồi dưới chiếc cầu đường sắt, nơi anh phải vất vả lắm,
phải thu hết sức lực cuối cùng mới khập khiễng lê đến được trong đêm
tối…
Dưới chiếc cầu này tương đối khô, anh lần mò đến nơi đây chẳng khác
gì một kẻ lang thang không nhà không cửa, và anh hài lòng vì đã tìm được
một chỗ như vậy, nơi anh có thể chờ qua cơn mưa và đắm mình trong suy
tưởng. Dưới cầu âm vang như dưới những vòm cao của toà nhà thờ trung
thế kỷ. Khi đoàn tàu nào đó chạy trên đầu thì tựa như một trận pháo kích
dồn dập từ xa đổ sụp xuống rồi xa dần. Vào đêm đó, Apđi suy nghĩ thật
thoải mái, thật phóng khoáng. Ý nghĩ một khi nảy sinh ra thì cứ tự nó phát
triển, kéo theo một cách thanh thoát và vô tận cả tinh thần của anh nữa. Anh
suy nghĩ lúc thì về Kitô và Pônti Pilát, anh tưởng như thấy mình bay về thời
kỳ xa xưa đó, và tiếng ầm ầm của các đoàn tàu chạy qua không ngăn cản
được anh cảm thấy mình đang ở xứ Giuđê cổ, giữa đám đông huyên náo
trên núi Sọ, và như được chứng kiến tận mắt những biến cố đang diễn ra.
Lúc thì anh nhớ đến Mátxcơva, nhớ đến đợt lưu lại mới đây thôi của anh tại
nơi đó và hôm đến thăm viện bảo tàng Puskin, nơi dàn đồng ca nhà thờ
Bungari biểu diễn, và anh nhớ lại người ca sĩ Bungari giống anh một cách