vào chỗ cũ đi. Anh phải biết tính Bôxton mới được, anh ấy ưa trật tự ngăn
nắp lắm!
Họ đã chuẩn bị ra đi, nhưng Rưxcun buộc phải nán lại vài phút để an ủi
bé Kengies. Bé khóc ầm lên. Bé bảo: Tại sao chú lại bỏ sói con vào túi, chú
định mang chúng đi đâu? Bé lăn lộn, bé vùng vẫy khỏi tay mẹ, đòi trả lại
cho bé lũ thú nhỏ yêu thích của bé…
Khi họ đã ra khỏi nhà, anh chàng sinh viên Marát bỏ học liền kể một câu
chuyện hài hước mà theo ý anh, có thể giải khuây cho hai người bạn cùng
đi:
– Mới đây ở huyện ta có xảy ra một vụ tai tiếng ầm ĩ khắp thế giới, thật
buồn cười đến vỡ bụng mất. Anh có nghe thấy không, anh Badarbai?
– Không, tớ không nghe thấy – Badarbai thú nhận.
– Nhưng đúng là một vụ tai tiếng ầm ĩ khắp thế giới thật, xin thề là như
vậy!
– Cậu kể đi, cậu sinh viên, cậu kể đi xem nào! – Rưxcun vừa khích vừa
lấy gót giày thúc ngựa.
– Có một quan chức ở tỉnh gọi điện đến tay biên tập báo huyện chúng ta.
Vị quan chức ấy hỏi: Tại sao trên tờ báo ‘Bình minh của chủ nghĩa xã hội’
chỗ các anh lại tuyên truyền cho nước Mỹ tư bản chủ nghĩa? Tay biên tập
viên ấy vốn là kẻ hèn nhát và nịnh bợ hiếm có – trước đây tớ cùng học với
hắn mà lại, – nghe thấy thế thì sợ đến líu lưỡi: “Chú… chúng tôi có vi-iết gì
về nư-nước Mỹ đâu! Xi-xin lỗi, tu-tuyên truyền như vậy là th-thế nào ạ?”.
Vị quan chức kia bảo: “Không viết là thế nào? Vậy tại sao lại có cái đầu đề
in rành rành ra đấy: “Bôxton vẫy gọi chúng ta?”. “Đấy là Bôxton, người
chăn cừu tiên tiến của chúng tôi đấy chứ ạ. Bài báo viết về anh ta, về công
việc của anh ta”. ” Thì rõ là bài báo viết về anh ta rồi, nhưng nhiều người
khi đọc báo chỉ đọc mỗi đầu đề thôi”. Ha ha ha! Thế mới thú vị chứ! Tuyệt