móc mắt anh ta, nhưng vào đêm đó ở thảo nguyên Môiuncumư, anh ta cũng
nốc rượu không kém gì những người khác. Còn kẻ bị nghi ngờ theo ý nghĩa
đó lại là Apđi: liệu anh ta có phải là dân lang bạt hay không? Apđi khăng
khăng không chịu uống và điều đó càng khiến gã Đại Huynh căm ghét anh
thêm.
“Đại Huynh” – gã ra lệnh cho nhóm thu lượm xác xaigắc dưới quyền gọi
gã như vậy, “để cho ngắn gọn”, nhưng chắc hẳn cũng ngụ ý rằng gã là
trưởng nhóm, là thượng cấp. Mà quả thật, trước khi bị giáng cấp thì gã đúng
là thượng úy một tiểu đoàn phạm binh thật. Khi gã bị giáng cấp, những
người có thiện ý với gã than phiền rằng gã bị “chết cháy” vì làm việc quá
tận tâm. Chính gã cũng cho là như vậy, gã cảm thấy bị tổn thương sâu sắc
trước sự bất công của cấp trên, nhưng nguyên nhân thật sự khiến gã bị đuổi
khỏi quân đội thì gã lại không muốn nói rõ, vả lại cũng chẳng để làm gì, đó
là chuyện đã qua rồi. Tên thực của gã là Canđalốp (Cùm), mà khởi thủy
cũng có thể là Khanđalốp, nhưng điều đó chẳng khiến ai bận tâm – Đại
Huynh vẫn cứ là thượng cấp theo ý nghĩa đầy đủ của hai tiếng đó.
Nhân vật thứ hai trong ‘tập đoàn’ này – tất cả đều nhất trí gọi đội của
mình là ‘tập đoàn’, trừ một người đã phản kháng lại một cách yếu ớt là
Hămlet-Gankin, cựu diễn viên nhà hát kịch của tỉnh: “Vứt bén cái tên ‘tập
đoàn’ đi, tớ không thích cái tên ấy đâu các cậu ạ. Chúng ta đi theo kiểu
Xaphora
kia mà, vậy thì chúng ta sẽ tự xưng là Xaphora!”. Nhưng đề
nghị của anh ta không được ai chấp thuận, có lẽ bởi vì so với hai tiếng ‘tập
đoàn’ mạnh mẽ thì mấy tiếng ‘Xaphora’ khó hiểu kia nghe yếu ớt quá.
Nhân vật thứ hai của tập đoàn này là một gã Misas nào đó, gọi cho đầy đủ
thì sẽ là Misca-Thổ Phỉ, một kẻ phải thừa nhận là dữ tợn như bò mộng, có
thể gạt bắn đi ngay cả gã Đại Huynh nữa. Misas có một thói quen là bất kỳ
câu gì cũng chêm vào hai tiếng “đù mẹ”. Đối với gã, thói quen đó đã trở
thành tự nhiên như hơi thở. Chính gã đã nêu ý kiến trói Apđi và quẳng lên
xe. Ý kiến đó đã được tập đoàn thực hiện ngay lập tức.