“Vậy là họ cứ hát và tôi hát cùng với họ. Trạng thái ngây ngất kỳ diệu đó
tôi vẫn thường cảm thấy khi nghe những bài hát Grudia cổ. Tôi khó giải
thích tại sao, nhưng chỉ cần ba người dân Grudia, dù là những con người
bình thường nhất, bắt đầu cất tiếng hát là tâm hồn tôi rạt rào xúc động. Tôi
lập tức cảm thấy hơi thở của một nền nghệ thuật giản dị và hiếm có về mức
độ hài hoà, về sức tác động tinh thần. Chắc hẳn, đó là do họ có tài năng đặc
biệt mà thiên nhiên phú cho họ; có thể một khiếu văn hoá đặc biệt mà cũng
có thể chỉ đơn giản là Chúa ban cho họ. Tôi không hiểu họ hát về những gì,
điều quan trọng đối với tôi là tôi hát cùng với họ.
“Tôi vừa suy nghĩ như vậy vừa nghe các ca sĩ hát, và đột nhiên óc tôi
chợt loé sáng. Tôi chợt hiểu thực chất của thiên truyện ngắn Grudia mà tôi
đã có lần đọc. Thiên truyện đó có nhan đề là “Sáu người và người thứ bảy”.
Một thiên truyện không dài lắm. Loại truyện như thế đầy rẫy trong các ấn
phẩm định kỳ và không thể nói rằng nó có nét gì nổi bật. Nó nặng về tình
tiết hơn là về tâm lý. Nói cho đúng hơn, nó có tính chất lãng mạn. Nhưng
tôi nhớ mãi đoạn kết của câu chuyện này, không hiểu sao đoạn kết ấy bám
lấy tôi nhức nhối như một cái dằm.
“Nội dung của thiên truyện, hay đúng hơn, của balat “Sáu người và
người thứ bảy” (tôi không nhớ họ tên rắc rối của tác giả ít được biết đến của
tác phẩm này) cũng chẳng có gì đặc sắc.
“Ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cuộc nội chiến đẫm máu đang diễn ra,
cách mạng tự khẳng định trong những cuộc giao chiến cuối cùng với kẻ thù.
Kết cục ở Grudia có lẽ cũng là kết cục lịch sử có tính chất điển hình: chính
quyền Xô-viết sắp chiến thắng và ngày càng đánh bật đi những tàn tích cuối
cùng của bọn phản cách mạng vũ trang, ngay cả tại những bản làng hẻo
lánh nhất. Trong những trường hợp như vậy, qui luật chủ yếu là: nếu kẻ thù
không đầu hàng thì phải tiêu diệt nó. Nhưng tàn nhẫn lại bị tàn nhẫn đáp lại
– đó cũng là một qui luật có từ lâu đời. Kháng cự lại cách mạng đặc biệt dữ