khỏi đây.
Hai ngày nữa trôi qua.
Tôi vẫn ở chung với gia đình bà chủ trong căn phòng chật chội. Tôi nằm
ngay trên sàn nhà, vì không thể ngủ ngoài hành lang - ở đấy không có lò
sưởi nên rất lạnh. Gã thuỷ thủ mới đến vẫn ở phòng tôi và hình như trong
thời gian tới chưa có ý định đi đâu cả. Trước bữa ăn trưa, bà chủ nhà tới
bảo tôi rằng hắn đã trả tiền trước cả tháng. Hắn tới đây để thi hành hoa tiêu;
thi xong hắn mới đi. Nghe thế, tôi hiểu ngay rằng tôi chẳng còn hi vọng
được trở về phòng cũ nữa.
Tôi bước ra hành lang, ngồi xuống ghế. Nếu nói chung tôi viết được cái gì
đấy, thì chỉ viết được ở chỗ yên tĩnh này mà thôi. Bài báo có tính cách ngôn
kia chẳng còn làm tôi quan tâm. Trong đầu xuất hiện một tư tưởng mới,
một kế hoạch tuyệt vời: tôi quyết định sẽ viết một vở kịch một hồi, gọi là
"Ðiềm báo trước của cây thánh giá", cốt truyện lấy từ thời trung cổ. Tôi đã
tìm được nữ nhân vật chính thích hợp, đó là hình ảnh lí tưởng của một cô
gái tội lỗi cuồng tín, phạm tội ngay trong nhà thờ, không phải vì yếu đuối
hay ham mê tình dục, mà vì căm ghét Ðức Chúa Trời. Vâng, cô ta phạm tội
ngay trước bàn thờ Chúa! Ha! Ha!
Cùng với thời gian, cô gái ấy mỗi lúc một ám ảnh óc tưởng tượng của tôi.
Cuối cùng cô ta hiện lên trước mắt tôi như một người sống thật và đúng
như tôi mong muốn. Vẻ ngoài của cô gái tội lỗi này phải làm người khác
kinh sợ: cao, rất gày, da hơi đen, và khi đi, đôi chân dài phải lộ ra khỏi váy.
Ngoài ra, cô ta phải có một đôi tai to, vểnh hẳn ra ngoài. Tôi quan tâm tới
sự trâng tráo đáng kinh ngạc của cô ta, cũng như cái quyết tâm sắt đá mà cô
ta có trước khi thực hiện cái tội lỗi có mưu tính kia của mình. Vâng, cô ta
thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi. Ðầu óc tôi hình như to phình ra vì hình
tượng xấu xí và lạ thường này. Tôi ngồi viết vở kịch ấy suốt hai giờ liền.