Ông chủ nhà quay sang nhìn tôi:
- Giỏi đấy! Ai khiến anh xỏ mũi vào việc người khác? Câm ngay, nghe
không? Biết điều thì câm đi, kẻo phiền đấy!
- Sao, ông mà cũng dám tỏ ra bất bình, hả? - Bà ta rít lên. - Xin mời cả hai
im đi cho, kẻo tôi lại vứt ra đường hết bây giờ, hiểu chứ? Hừ, thế mà tôi lại
còn uổng công sưởi ấm và nuôi béo con chó này nữa, mà thử hỏi để làm gì?
Tôi không chịu thế đâu, nghe không?! Câm mồm, đồ rác rưởi! Mà lau mũi
đi, kẻo tôi đến vặn đi bây giờ! Lạ lùng thật đấy! Từ ngoài phố mò vào,
không đồng xu dính túi, đến mua hộp thuốc mỡ chống rận cũng không mua
nổi, thế mà giữa đêm khuya dám làm ầm ĩ lên, dám cãi lại người khác. Tôi
không cho phép thế đâu! Ai là người ngoài phải ra khỏi nhà này ngay!
Trong nhà này phải được yên tĩnh! Tôi muốn thế đấy!
Tôi không đáp gì, thậm chí không dám mở miệng, chỉ lặng lẽ đến ngồi bên
cửa và nghe chửi. Mà chửi thì ai cũng chửi, kể cả bọn trẻ con và cô đầu
bếp. Cô ả cứ nhất định muốn biết do ai mà xảy ra cuộc cãi cọ này. Nếu vừa
rồi tôi im lặng, chắc mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp. ừ mà đáng lẽ tôi không
nên nói mới phải, nếu thế chắc sẽ không đến nỗi. Nhưng suy kĩ, thì tôi
chẳng đã im lặng mãi đó sao? Bên ngoài trời rất lạnh, lại khuya khoắt thế
này. Nào tôi có dám đấm bàn đấm ghế tự bào chữa cho mình đâu? Không,
tôi không ngốc đến thế? Vì vậy tôi ngồi yên, và mặc dù người ta không cho
ở nữa, nhưng tôi vẫn không rời khỏi căn nhà này. Tôi nhìn dán mắt vào
tường, nơi có bức tranh vẽ Ðấng cứu thế; tôi nhẫn nhục im lặng, coi như
không có những lời chửi rủa cay độc của bà chủ.
- Nếu bà muốn tôi đi khỏi nơi này, thì thưa bà, tôi đi ngay bây giờ! - Một
trong số những người chơi bài nói.
Và ông ta đứng dậy. Người thứ hai cũng làm theo.