lặng kéo ghế ngồi. Chưa ai nói ai, nhưng Dũng đã thấy khó chịu rồi; chàng
khó chịu vì không sao bỏ được cái cảm tưởng rằng nội trong nhà chỉ có
chàng bao giờ cũng là người cô đơn nhất vì không sống như mọi người
khác. Thuận nói:
-Cô Hiền nói thế nào chú cũng về, thành thử đợi chú mãi, vừa mới ăn xong.
Nàng gọi người nhà bảo dọn riêng một mâm lên cho Dũng rồi mỉm cười
nói:
-Chú Dũng lần này đi chơi lại nhớ nhà co giò mà về.
Dũng nhìn vào trong bàn thờ và cố nghĩ mãi không nhớ ra hôm nay giỗ ai.
Chàng định vào lễ nhưng thấy Thuận nói có ý nhấp nhổm, chàng tức mình
cầm đũa bắt đầu ăn ngay. Ông tuần nhìn Dũng một lúc lâu, thấy Dũng có vẻ
cau có ông không muốn khó chịu về cách cư xử của
Dũng nhưng ông cũng không muốn nói một câu nào cần vui vẻ với Dũng
sợ mọi người chung quanh đấy cho ông có ý dung túng cách ăn ở quá tự do
của Dũng.
Ông gọi mấy đứa cháu lại nói chuyện với chúng và bảo lấy bao nến đem ra
chia phần. Mấy đứa bé tranh giành nhau. Thằng Trung bị thằng Hưng tranh
lấy phần nến, chạy lại gần Thuận khóc rầm lên. Tiếng kêu khóc rộn rã của
lũ trẻ đã làm mất được sự yên lặng nặng nề đầy khó chịu lúc nãy.
Ông tuần mỉm cười, vuốt râu rồi ngả đầu vào thành ghế mây. Ông gọi thằng
Trung đến lấy tay xoa nhẹ đầu nó, âu yếm dỗ nó nín. Dũng đói nhưng ăn
không thấy ngon, chàng vừa thong thả và cơm vừa nhìn cha. Nhưng cứ hễ
lúc nào chàng dịu lòng để cố tìm cách yêu cha thì chàng lại đau xót thấy
những hành vi tàn ác của ông tuần mà chàng tưởng đã quên hẳn rồi hiện ra
như bức rào ngăn cản. Chàng tức bực thầm nhắc lại câu đã bao lần thốt ra
trong những khi muốn bỏ nhà đi ngay:
-Còn liên lạc gì nữa giữ mình ở lại đây?
Những lớp nhà gạch vây kín chung quanh sân, Dũng thấy tức tối trước mắt
như những bức tường của một nhà tù giam hãm chàng. Người ta không thể
sống mãi một cảnh đời tron gkhi người ta chỉ nghĩ đến việc thoát ra khỏi
cảnh đời đó. Phải như Trường, Đình và nhất là Hiền bằng lòng nhận sống
như mình đương sống mới có thể mong được yên ổn.