Trần Cao Vân về đến nhà, bàn bạc với em là Trần Lập Thành về việc ấn
định kế hoạch khởi sự. Thành năm ấy vừa đúng 26 tuổi, rất thông minh
lanh lợi, tính nết lại thâm trầm, người trông ra vẻ nho nhã phong lưu nhưng
côn quyền rất giỏi. Trong thời gian hoạt động cách mệnh, Thành chỉ đội tên
anh, không mấy khi hợp mặt với các đảng viên, nên ít người biết đến.
Chàng thông thạo cả Hán học và Pháp học, giá như ai tham bả vinh hoa,
cam tâm luồn cúi thì cũng “quan trường năm bảy chuyến, quan ngoài ba
bốn phen” nhưng chàng thanh niên đó vì xót giống thương nòi muốn đập
tan xiềng xích nô lệ để giải phóng dân tộc.
Được anh tin cậy, giao phó cho việc cổ động lấy đảng viên cùng là thiết
lập hệ thống liên lạc suốt từ Bắc vào Nam, Trần Lập Thành nghiễm nhiên
đóng một vai trò can hệ trong cuộc phục hưng đất nước. Nhân được nhà
vua ủy thác cho trọng trách, Trần Cao Vân bí mật triệu tập các đại biểu của
các tỉnh miền Trung Việt đến họp tại một khu chùa cách Phú Xuân (Huế)
chừng 5 cây số.
Buổi tối hôm ấy, khi mọi người đã đến đông đủ, Thái Phiên sai giải chiếu
ở trên Tam Bảo rồi mời các đồng chí vào thảo luận kế hoạch khởi sự.
Chung quanh chùa đều đặt trạm canh gác, có nghĩa quân đeo súng tuần
phòng. Dưới ánh lửa chập chờn của hơn ba chục ngọn nến những hình
người ngồi xếp vòng tròn chung quanh chiếc lư hương cao hơn thước tây
đang nhả từng làn khói thơm cuồn cuộn tung bay. Thái Phiên bày bốn cái
ấn kinh lược của nhà vua mới đúc, lên bệ gạch rồi cất tiếng sang sảng nói:
- Hoàng đế giao cho chúng ta trách nhiệm giải phóng dân tộc khỏi xiềng
xích nô lệ. Trong lúc này, vận mệnh của Tổ quốc như ngọn đèn trước gió,
có thể vì một lầm lỡ về quân sự, mà toàn dân sẽ mất hết hy vọng độc lập.
Trước khi hành động, chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng các kế hoạch
tấn công đồn binh, cốt sao cho mau lẹ và đỡ rỏ nhiều máu mới được. Ai có
ý kiến gì hay, xin tự do phát biểu.
Có người hỏi: