Đúng ngày ấy, vua Duy Tân giả vờ đi xem duyệt binh, rồi thừa cơ đến bờ
sông bí mật hội họp với hai thủ lãnh của đảng.
Nhà vua nóng muốn khởi sự, nhưng Trần Cao Vân can rằng:
- Sự tổ chức chưa hoàn bị xin bệ hạ hãy để thư thả.
Thái Phiên quắc mắt tiếp:
- Nếu ta để chậm ngày nào là dân khổ ngày ấy. Sống chết cũng phải khởi
nghĩa phen này.
Vua Duy Tân ứa nước mắt:
- Phụ hoàng vì thương con do bị trói buộc dưới vòng nô lệ, mà bỏ cả
ngai vàng để quyết chiến với người Pháp. Rút cục, tấm thân muôn cỗ xe
phải giải rầu nơi đất khách. Các ngươi đều nặng lòng ái quốc, nỡ nào
khoanh tay nhìn Tổ quốc tan nát dưới gót giầy xâm lăng, chả đáng thẹn với
tiền nhân lắm ru!
Trần Cao Vân cũng khóc:
- Thần rút kinh nghiệm những cuộc khởi nghĩa trước đây, nên chẳng dám
bạo động sợ lại thất bại lần nữa thì xấu hổ với những nắm xương dưới mồ
nghĩa sĩ. Bệ hạ thông minh chắc cũng thấu rõ nỗi khổ tâm của kẻ yếu đứng
trước kẻ mạnh.
Vua Duy Tân lại tiếp:
- Sự tồn vong của dân tộc chỉ trông cậy ở các người, sao lại quá nhút
nhát mà để lỡ mất cơ hội tốt đẹp? Trẫm đã không thiết gì đến vinh hoa phú
quý muốn đem chút tàn lực để xoay sở lại thời cuộc, các ngươi cũng đừng
quá nặng tình với gia đình, hãy vì quyền lợi của Tổ quốc mà hứng tay nhận
lấy một phần trách nhiệm.
Thấy nhà vua nói thiết tha quá, Vân cũng cảm động, đành phải nhận lời,
và hứa sẽ nhờ Phan Hữu Khánh bấy giờ đã làm tài xế cho nhà vua làm liên
lạc viên giữa Hoàng Gia và đảng cách mệnh.