của chúng ta, đó là vấn đề tài giảm binh bị, vấn đề sinh thái học, hay nói
một cách đơn giản, vấn đề sống còn của nhân loại. Tôi cũng nói giới trí
thức Tây phương phải lấy lại ảnh hưởng của mình, Tây phương phải nêu
gương chứ không phải đợi người ta làm trước rồi mới noi theo.
- Ông muốn nói Tây phương phải đơn phương tài giảm binh bị chứ gì? –
Clive nói và siết chặt hai bàn tay lại với nhau. – Thế đó. Tốt, được rồi.
Ông ta không nói “rồi” mà nói “rùi”, đó là lối nói của ông ta khi nghĩ một
đường mà nói một nẻo.
Rồi ông ta lại hỏi thêm:
- Và trong lúc ông trổ tài hùng biện như thế thì cái ông Goethe có nói gì
không?
- Không nói gì cả. Mọi người đều có phát biểu ý kiến, trừ ông ta.
- Nhưng ông ta nghe và trố mắt ra, phải không?
- Lúc ấy, người ta đang kiến thiết lại thế giới. Yalta (4), họ thân mật vỗ
vai nhau lần thứ hai. Mọi người tranh nhau nói, trừ Goethe. Ông ta không
ăn, không nói. Tôi không ngừng nhìn vào mặt ông ta mà phát biểu ý kiến,
chỉ vì ông ta không tham gia vào cuộc đàm luận. Nhưng điều đó chỉ thúc
đẩy ông ta uống rượu nhiều hơn. Cuối cùng tôi đành chịu thua.
Vẫn với giọng thất vọng bất bình, Barley nói tiếp:
Và Goethe không đưa ra một quan điểm nào. Suốt cả buổi chiều không
nói một tiếng. Goethe nghe, mắt đăm đăm nhìn đâu đâu. Đôi khi ông ta
cười, nhưng không bao giờ cười khi có điều gì đó ngộ nghĩnh một chút.
Thỉnh thoảng ông ta đứng lên, đi thẳng tới cái bàn rượu tìm một chai vodka
khác, trong lúc mọi người uống rượu vang, và trở về chỗ cũ với một cốc
đầy mà ông ta chỉ uống vài hớp là cạn khi người ta đề nghị nâng ly rượu
mừng. Nhưng chính ông ta thì không bao giờ đề nghị. Ông ta thuộc hạng
người nhờ im lặng mà gây được một ảnh hưởng tâm lý, đến nỗi cuối cùng
người ta tự hỏi rồi người ấy sẽ chết vì sinh bệnh hay đang dựng lên một dự
án lớn.
Khi Nejdanov đưa tất cả mọi người vào trong nhà để nghe nhạc, Goethe
lặng lẽ đi theo. Đêm đã khuya, trong lúc tôi hầu như đã quên trên đời này
có Goethe, tôi mới nghe ông ta nói.