Mới đầu, tôi nghĩ có lẽ Mameha dẫn tôi đi như thế để cô ấy có thể dạy cho
tôi nhiều chuyện như tư thế đi đứng cho đúng cách – vì cô ấy thường lấy
quạt đánh vào lưng tôi để sửa dáng đứng của tôi cho thẳng hơn – và dạy
cách xử thế với mọi người. Mameha hình như quen biết với tất cả mọi
người, và luôn luôn dừng lại để cười chào họ, chúc tụng họ, thậm chí cả với
những người hầu hèn hạ nhất, vì cô ấy cho rằng chính nhờ những người
này cô ấy mới được cao sang, mới được nhiều người trọng vọng. Nhưng
một hôm khi chúng tôi từ trong một tiệm sách bước ra, bỗng tôi nhận ra ý
nghĩa của công việc cô ấy làm trong bấy lâu nay. Thật ra, cô ấy quan tâm
đến việc đi đến tiệm sách hay đến tiệm người làm tóc giả, hay là đi đến
tiệm người bán văn phòng phẩm. Việc đi mua sắm lặt vặt không phải là
việc quan trọng, vả lại, cô ấy có thể sai gia nhân đi mua lúc nào không
được. Cô ấy chỉ đi như thế cốt để cho mọi người ở Gion thấy chúng tôi đi
với nhau trên phố. Cô ấy trì hoãn ngày nhập môn cho tôi là để mọi người
có thì giờ chú ý đến tôi thôi.
Vào một buổi chiều tháng mười nắng ráo, chúng tôi ra khỏi nhà của
Mameha, đi dọc theo bờ con suối Shirakawa, nhìn lá hoa anh đào rơi bay
phất phới trên mặt nước. Rất nhiều người khác đi dạo như chúng tôi, và
chắc chắn cũng đoán được là tất cả mọi người đều chào hỏi Mameha. Hầu
như người nào chào Mameha, họ cũng đều chào tôi.
- Cô thấy cô cũng được mọi người biết hết không? – Cô ta hỏi.
- Em nghĩ, nếu con cừu mà đi theo người đẹp Mameha, người ta cũng chào
nó.
- Đem cô so với cừu thì cũng lạ đấy. Nhưng thực ra tôi đã nghe nhiều người
hỏi về cô gái có cặp mắt xám xinh đẹp. Họ không biết tên cô, nhưng
chuyện này chẳng quan trọng. Dù sao thì người ta cũng sắp hết gọi cô là
Chiyo rồi.
- Có phải cô Mameha muốn nói…
- Tôi muốn nói tôi đã hỏi ông Waza – đây là tên ông thầy bói của cô – ông
ta cho biết ngày mùng ba tháng 11 là ngày tốt để làm lễ nhập môn cho cô.
Mameha dừng lại nhìn tôi vì tôi đứng sững như trời trồng, cặp mắt mở to
bằng cái bánh tráng. Tôi không reo lên hay vỗ tay, nhưng tôi quá sung