trời nóng là đúng. Đáng ra sáng nay anh nên đến thăm tôi khi tôi ở trong
phòng tắm bước ra mới phải! Thường khi nào tôi ở trần, tôi cảm thấy lạnh
và thư giãn. Nhưng sáng nay, mồ hôi nhỏ giọt chảy khắp cả người tôi -
chảy trên đùi, trên bụng và..trên những chỗ khác nữa.”
Khi chàng trai để tách salê xuống bàn, mấy ngón tay anh ta run run. Tôi
nghĩ chắc anh ta không bao giờ quên buổi tiệc geisha ấy cho đến lúc mãn
đời.
Nếu anh hỏi tôi tại sao hầu hết những buổi tiệc này quá buồn như thế, tôi
nghĩ có lẽ có hai lý do. Thứ nhất, chỉ vì cô gái đã bị gia đình bán đi rồi
được luyện tập để thành geisha ngay khi còn rất nhỏ, tất nhiên sẽ không
làm sao thông minh cho được, hay là có cái gì hay ho để nói. Và thứ hai,
trường hợp xảy ra cho đàn ông cũng như thế. Chỉ vì người đàn ông làm ra
đủ tiền để đến Gion tiêu pha không thương tiếc, không có nghĩa ông ta đã
được vui vẻ tại đấy. Thật vậy, nhiều người đàn ông đã được người đời đối
xử với họ một cách hết sức trọng vọng. Họ nghĩ giải trí tức là ngồi ngửa
người, hai tay để trên đầu gối, mày cau lại là được. Một lần tôi nghe
Mameha ngồi kể chuyện cho một người đàn ông nghe suốt một giờ liền mà
ông ta thì không hề nhìn vào cô ấy, mà nhìn vào người khác trong khi cô ấy
nói. Mà kỳ thay chính đó là điều ông ta muốn và mỗi khi ông ta đến thành
phố Kyoto, ông ta thường yêu cầu Mameha kể chuyện mua vui cho ông ta.
Sau hai năm đi dự tiệc tùng và đi chơi ngoài trời – trong thời gian này tôi
vẫn tiếp tục học hành và thực tập trong các buổi trình diễn múa bất cứ khi
nào thuận tiện - tôi đã chuyển biến từ cô tập sự thành cô geisha thực thụ.
Đấy là vào mùa hè 1938, khi ấy tôi được mười tám tuổi. Chúng tôi gọi sự
thay đổi này là “lật cổ áo”, vì cô tập sự mang cổ áo đỏ, còn cô geisha mang
cổ áo trắng. Nhưng nếu anh thấy một cô tập sự với một geisha đi bên nhau,
cái cổ áo là vật cuối cùng để cho anh chú ý đến. Cô tập sự mặc áo kimono
có tay áo dài, rườm rà và dải thắt lưng lủng lẳng đàng sau lưng, hình ảnh
này chắc làm cho anh nhớ đến con búp bê Nhật Bản, trong khi đó cô geisha
trông đơn giản hơn, lại còn ra vẻ chững chạc hơn.
Cái ngày tôi “lật cổ áo” là ngày sung sướng nhất trong đời của Mẹ, hay ít
ra, bà đã có vẻ hân hoan hơn bao giờ hết. Lúc ấy tôi không hiểu, nhưng bây