gặp đêm thì bên ngoài vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi
chưa bao giờ hết say.
Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng
hắn đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc,
hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ
rượu cũng như người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ
quá! Có tiếng nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo
đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn
mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!
- Vải hôm nay bán mấy?
- Kém ba xu dì ạ!
- Thế thì còn ăn thua gì!
- Cố kéo co mới được một tấm năm xu.
- Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi...
Chí Phèo đoán chắc rằng một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi
bán vải ở Nam Ðịnh về. Hắn nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho
hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia
đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cầy thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con
lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.
Tỉnh dậy hắn thấy già mà còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế
được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó
không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên
kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc,
đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu
báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều; nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết
giời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông trước thấy
tuổi già của hắn, đói rét ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét
và ốm đau.
Cũng may thị Nở vào. Nếu thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ suy nghĩ mãi,
thì đến khóc được mất. Thị vào cắp một cái rổ, trong có một nồi gì đậy
vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Là vì lúc còn đêm, thị
trằn trọc một lát, thị bỗng nhiên nghĩ rằng: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì