Nam Cao
Đôi lứa xứng đôi
Nguyện vọng
Trận mưa lúc nãy tuy đổ xuống ào ào nhưng chẳng bao lâu
đã tạnh. Mây tản hết. Mặt giời lại nhô ra. Ánh nắng
nhuộm tươi những chòm lá me non rợn. Hơi nước bốc lên
như khói. Đường loang lổ, chỗ ướt chỗ khô. Sài Gòn lúc
ấy giống như một cô bé ngây thơ, vừa khóc chưa ráo lệ đã
lại cười tươi tắn. Tôi vội vàng mặc áo ra đi.
Như thế đã quen rồi. Cái ngày mà tôi đặt bước đến Sài Gòn là ngày chấm
hết cho cuộc đời “cấm cung” của tôi hồi còn là một học sinh tỉnh nhỏ. Bây
giờ tôi không thể ngồi nhà luôn hàng buổi được. Những vẻ lộng lẫy kiêu sa
của “hòn ngọc Viễn Đông”, cũng như những cảnh lầm than của nó, đối với
tôi, có một sức quyến rũ lạ lùng. Đôi chân tôi lúc nào cũng muốn đi. Tôi cứ
phải luôn luôn ở ngoài, trà trộn với đám đông, chen chúc, xô đẩy, mải mốt,
vội vàng của Sài Gòn hoạt động. Giữa đám người không ai biết ai, không ai
để ý đến ai, tôi tò mò nhận xét từng dáng điệu, từng cử chỉ, từng vẻ mặt,
từng cái nhìn của những khách qua đường không quen. Tất cả những cái ấy
“nói” với tôi nhiều lắm. Có khi chúng hé cho tôi thấy một cuộc đời tan nát,
một kiếp sống âm thầm, một linh hồn mệt nhọc, một cái nguyện vọng bị đè
nặng dưới những trở lực không bao giờ vượt nổi...
Đến đầu đường Bonard, tôi gặp chị Thanh từ chợ mới Bến Thành đi lại. Sự
ngạc nhiên của tôi lộ ra ngoài mặt. Đã từ lâu, tôi nghe nói anh ấy đã xin
được một chỗ làm ở Nam Vang. Tôi cứ tưởng chị đã theo chồng đến đấy từ
bao giừ rồi. Tôi hỏi. Chị đáp lại với một cái lắc đầu chán nản :
- Ông ấy xin thôi rồi!
Tôi mỉm một nụ cười thương hại và hơi chế nhạo. Anh Tá, chồng chị
Thanh, tôi không được biết cho rõ lắm. Lần nào đến chơi, tôi cũng chỉ gặp
một người ít nói, nghe chuyện người ta bằng đôi tai lơ đễnh và đáp lại bằng