những nụ cười rất mơ hồ, vẻ mặt trầm ngâm, và đôi mắt, đáng nhẽ rất tinh
nhanh, lại luôn luôn lờ đờ như nhìn những cái gì ở đâu xa, xa tắp. Đó là
một cái linh hồn đi vắng. Tôi không có cớ gì để ghét, nhưng mà không
thân.
Còn chị Thanh thì đã nhiều dịp than phiền về anh nhiều lắm. Chị trách
chồng vơ vẩn, viển vông, không thiết làm ăn đứng đắn. Và quả chị không
hiểu anh, khi anh cáu kỉnh bảo chị rằng :
- Mình làm gì hiểu tôi!
Thú thật, vì thương chị, tôi đã hơn một lần thấy Tá là một người đáng
khinh. Người chồng ấy quá ích kỷ, quá hèn nhát, không biết phấn đấu để
giành giật lấy miếng ăn cho gia đình. Không thế thì sao một chỗ làm hơn
bảy chục đồng một tháng, tự nhiên bỏ để trở về với cái nghề dạy học tư chỉ
độ ba chục đồng?
- Sao anh ấy buồn cười thế! Xin thôi để làm gì?
Chị Thanh chép miệng :
- Nào ai biết! Đang ngồi sù sù ở nhà ấy, bây giờ cậu có rảnh thì đến chơi.
Tại sao tôi lại có ý muốn gặp con người ngơ ngẩn ấy? Gần như vô tình, tôi
rẽ vào đường Colonel Grimaud. Nhà Tá ở là cái căn nhà lụp xụp số 123
này.
Anh đang chúi đầu vào sách nên tôi bước vào mà anh không biết. Phải đợi
tôi chào anh mới ngẩng đầu lên, nhìn một lúc, và thong thả chào :
- À, cậu Định.
Rồi anh chỉ một cái ghế để bên bàn học, bảo :
- Mời cậu ngồi chơi đây. Vẫn như thường đấy chứ?
Tôi mỉm cười: hiếm họa lắm, mới được nghe anh dùng một câu xã giao như
vậy. Xưa nay, anh vẫn chỉ nói khi nào muốn nói. Tôi nhắc quyển sách anh
đang đọc. Đây là một cuốn sách dạy về giáo khoa. Tôi hỏi :
- Anh yêu nghề dạy học lắm?
Mắt anh sáng hẳn lên. Cái mặt ngờ ngờ đột nhiên thành nhanh nhẹn :
- Thì đã hẳn. Mà chẳng riêng gì tôi, những kẻ còn nghĩ đến giống nòi đều
nghĩ đến việc đào tạo óc. Vì chỉ có sự học thôi, chỉ có sự học là cải tạo
được con người. Xã hội Việt Nam muốn tiến, quốc dân Việt Nam phải học.