trong thúng? Nhưng thật thà Du chẳng quen những việc thế này; người ta
phải dạy cách cho chàng bắt; cũng chẳng khó khăn gì; chàng chỉ việc hé
cạp thúng lên khỏi mặt đất để con chó lách đầu ra; một đứa em sẽ đặt gậy
lên cổ chó và chàng phải lấy chần dận xuống... Nào chàng hãy nhích cạp
thúng lên! Tí nữa! Tí nữa! Mà vững tay một chút! Nhưng tay chàng thấy
run run. Và khi con chó vừa thò đầu ra thì nó quẫy luôn một cái và vùng ra
mất. Nó hoảng hốt quay lộn mấy vòng, vừa quay vừa ẳng ẳng. Kịp khi Hoa
nắm gậy phang chạm phải đuôi, nó mới chợt tỉnh; cắm đầu chạy biến.
Con Hoa tủm tỉm cười. Lũ em ngơ ngác tiếc. Còn Du thì mặt đỏ như gấc
chín. Chàng đã yếu tay hơn cả con Hoa. Có lẽ nào chàng lại dịu lòng hơn
một người con gái! Và tự nhiên chàng giận Mực. Người ta còn sợ nó đi mất
nữa.... Quả nhiên, suốt ngày hôm ấy nó không về. Nó vơ vẩn ở vườn hàng
xóm, lẩn lút như một con chó dại. Buổi trưa, khi nghe tiếng Hoa gọi về để
ăn cơm, nó lút cút cắm đầu chạy xa hơn nữa. Người ta đã tưởng thế là toi.
Nhưng tối hôm ấy, khi đã vào giường, Du lại nghe cái thứ tiếng gà gáy của
nó rống lên ngoài phía ngõ.
Sáng hôm sau, nó vẫn bỏ cơm. Trưa hôm sau cũng thế. Hễ cứ thấy bóng
người là nó lại vừa vẫy đuôi vừa len lén chạy. Cái vẫy đuôi của nó, Du
trông mà thương hại! Chàng sai người đem cơm đổ ra vườn rồi lảng xa đi.
Một lúc lâu sau, Mực mới dám lại gần. Nó trông trước trông sau, rón rén
đưa mõm rê trên những hạt cơm, rồi bỗng vô cớ giật nẩy mình, cắm đầu
chạy thẳng. Có lẽ cái kỷ niệm bị úp lần ăn trước lòe ra mạnh quá đã quất
vào thần kinh nó như luồng điện chăng? Du thấy bồn chồn rất vẩn vơ:
chàng thương Mực hay sợ nó đi mà chết đói? Hay là thẹn sự mình vụng
tay? Sau cùng thì chàng bực bội: chàng tấm tức nhận ra rằng một con chó
đã làm mất sự bình tĩnh của tâm hồn chàng. Và đột nhiên chàng muốn giết
con Mực lắm.
Chàng còn làm nên trò gì nữa, nếu chỉ giết một con chó mà trái tim cũng
đập?
Sự do dự đã hết rồi. Khi chỉ có một ý định thì ý định dễ thành mạnh mẽ. Du
cứng lòng, và hung dữ, và muốn giết say sưa. Chàng tưởng đến cái thú gí