Tuy vậy mà bà vẫn phải ăn... Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì
đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm. Có
làm thì mới có. Nhưng bây giờ yếu đuối rồi, bà không còn kham được
những việc nặng nề, cũng không còn chịu đựng được nắng sương. Bà phải
kiếm việc nhàn, việc ở trong nhà. Ở làng này chỉ có việc bế em, như con bé
mười một, mười hai tuổi. Mới đầu còn có nhiều người muốn thuê. Ai cũng
nghĩ rằng: những bà già tính cẩn thận, và sạch sẽ, không lơ lẻo như trẻ con,
vả lại các cụ tuổi tác rồi, ăn chẳng bao nhiêu, bữa lưng bữa vực thế nào
cũng no, mà không no các cụ cũng chỉ lặng im, không ấm ức như những đồ
trẻ nhãi, hơi một tí cũng đem chuyện nhà chủ đi kể với đủ mọi người hàng
xóm... Nhưng thuê bà được ít lâu, tự nhiên người ta chán. Người ta nhận ra
rằng: thuê một đứa trẻ con có phần lại thích hơn. Trẻ con cạo trọc đầu.
Những lúc tức lên, có muốn cốc nó dăm ba cái thì cứ cốc. Chẳng ai kêu: ác!
Nhưng bà lão đầu đã bạc. Người ta tức bà đến sặc tiết ra đằng mũi cũng
không thể dúi đầu bà xuống mà cốc. Cũng không thể chửi. Mắng một câu,
đã đủ mang tiếng là con người tệ. Mà bà thì lẩm cẩm, chậm chạp, lì rì. Bà
rờ như thể xẩm rờ. Tay bà, đưa bát cơm lên miệng cũng run run. Cơm
vương vãi. Tương mắm rớt ra mâm, rớt xuống yếm bà, rớt cả vào đầu tóc,
mặt mũi, quần áo đứa bé nằm ở lòng bà. Rồi hơi trái gió, trở trời, bà lại đau
mình. Suốt đêm bà thở dài với rên rẩm kêu trời. Có khi bà lại khóc lóc, hờ
con. Nghe rợn cả người. Như vậy thì chịu làm sao được? Ấy thế là người ta
lại phải tìm cớ tống bà đi. Bà lại phải gạ gẫm ở cho nhà khác. Không đầy
một năm trời bà thay đổi đến năm, sáu chủ. Mỗi lần đổi chủ là một lần hạ
giá. Thoạt tiên cơm nuôi tháng một đồng. Rồi cơm nuôi tháng năm hào.
Rồi cơm nuôi, mỗi năm bốn đồng. Rồi hai đồng. Rồi chẳng có đồng nào.
Đến nước ấy mà cũng chẳng ma nào chịu được. Một hôm, người chủ cuối
cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. Bà bảo bà chỉ có thể mang một lọ.
Y đã lấy sự ấy làm khó chịu, nhưng cố nhịn. Nhưng một lọ cũng không
xong. Bà xách một lọ nước đầy, ở dưới cầu ao bước lên bờ, chẳng biết bẩy
rẩy thế nào mà ngã khuỵu xuống, vỡ tan cái lọ và què một bên tay. Nghe
tiếng bà kêu, chủ nhà phải chạy ra đỡ bà về. Không ai có thừa cơm nuôi