báo cô bà. Y bèn đãi bà năm hào và cho bà về hưu trí. Từ ngày ấy đến nay,
tính ra đã hơn ba tháng rồi.
Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu còn được ngày ba
tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra
chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày
nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn
đói. Bởi thế bà lại đem con ra hờ. Bà hờ thê thảm lắm. Bà hờ suốt đêm. Bà
khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Đến gần sáng, bà không còn sức
mà khóc nữa. Bà nằm ẹp bụng xuống chiếu, nghĩ ngợi. Có người nói:
những lúc đói, trí người ta sáng suốt. Có lẽ đúng như thế thật. Bởi vì bà lão
bỗng tìm ra một kế. Bà ra đi.
*
Cứ đi được một quãng ngắn, bà lại phải ngồi xuống nghỉ. Nghỉ một
lúc lâu, trống ngực bà mới hết đánh, tai bà bớt lùng bùng, mắt bà bớt tối
tăm, người tàm tạm thôi quay quắt. Bà nghỉ tất cả năm, sáu quãng. Thành
thử đến tận non trưa, bà mới tới nhà mình định tới: ấy là nhà bà phó Thụ,
nuôi cái đĩ. Bà quen gọi như vậy, ngay từ khi nó còn nhỏ: cái đĩ tức là đứa
con của anh con trai đã cướp công bà để về với đất, yên thân và mặc tất cả
những gì còn lại. Anh con trai chẳng còn phải khổ sở như bà ngày nay.
Bà nghĩ đến con, để mà ghen với nó thêm lần nữa, trong khi ngồi nghỉ
ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ. Ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ, có một cây
sung lớn. Bà tựa lưng vào gốc. Từ đầu ngõ vào đến nhà, còn những hai lần
cổng. Có gọi thật to, ở trong nhà mới nghe tiếng. Mà bà thì còn hơi sức đâu
mà gọi? Tiếng bà bải hoải. Hơi nói to một chút, nó đã ra đằng lỗ tai. Vả lại,
chó nhà giàu dữ lắm. Nhà bà phó Thụ có những ba con chó đẫy đà, lực
lưỡng. Lúc thiến, người ta rắc mảnh chai tán nhỏ vào. Vết thiến lành, dúm
mảnh chai ở bên trong gây cho con vật một nỗi đau ngứa ngáy, suốt đời
không khỏi. Nỗi đau làm tội nó. Nó bứt rứt, khổ sở, cáu kỉnh, nên bạ thấy
người lạ nào cũng lăn xả vào chân, hoặp lấy một miếng ray thịt người ta