có ích gì cho họ, những người cằn cỗi về tình cảm, thấp kém về học thức.
Họ muốn giải trí thì đã có đố mười, lắc đĩa hay rượu và thịt chó. Họ không
cần đến sách và đôi khi có đọc sách, cũng chẳng bao giờ thèm nhớ đến tác
giả.
Tôi đã nghĩ đến tôi nhiều quá. Sau cuộc Cách mạng tháng Tám, càng
ngày tôi càng thấy rằng cái "tôi" của mình thật ra chẳng nghĩa lý gì. Nó có
một chút giá trị nào là khi nó biết hòa hợp nó vào với những người chung
quanh. Nhiều khi phải biết quên mình đi, quên cái tên tuổi của mình, nếu
muốn thành một người có ích. Có cần gì phải cầy cục tìm cách ghi tên mình
lại cho lịch sử? Tạo ra lịch sử là một việc lớn lao hơn. Nhưng tạo ra lịch sử
lại là sự nghiệp của số đông. Ta nên nghĩ đến số đông nhiều hơn ta. Tôi đã
cố gắng rất nhiều và vẫn còn đang cố gắng để có thể thích những công việc
nhũn nhặn, thầm lặng, nhưng có ích.
Tôi biết tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vẫn còn những lúc thằng
nghệ sĩ cũ trong người tôi vùng dậy. Tôi chợt thấy buồn rầu vì luôn mấy
năm nay không viết được một tác phẩm nào khiến cho các bạn tôi nhắc
nhở? Hết làm chủ tịch làng thì lại đi tuyên truyền lưu động, làm báo i tờ!
Bao giờ đây, cuốn tiểu thuyết lớn, không mấy đêm tôi không nghĩ đến, luôn
mấy năm nay?
Nhưng cái tác phẩm mơ ước ấy, có phải tận đến bây giờ tôi mới phải
gác nó lại đâu? Tôi đã gác nó lại ngay từ ngày nó mới chớm nở trong óc
tôi. Phần lớn thì giờ của tôi trước đây đều dùng vào việc viết những truyện
ngắn, truyện dài, truyện trẻ con tôi không vừa ý một chút nào, nhưng nó
giúp tôi moi được tiền của bọn buôn văn, để đem về nuôi cái thân tôi và
nuôi vợ, nuôi con. Nước mình còn nô lệ thì tiếng nước mình còn bị chê
khinh và bọn nhà văn còn bị rẻ rúng, bạc đãi, coi như một hạng người
không có cũng chẳng thiệt thòi gì. Tôi đã làm ngược hẳn ý muốn của tôi,
chỉ vì cần duy trì đời sống của tôi. Sao tôi lại không thể dằn cái ý muốn
kiêu căng của tôi xuống để góp sức vào công việc "không nghệ thuật" lúc