- Cô Thúy nằm nghỉ! Một lát sẽ ngủ được ngay. Tôi còn bận sang
phòng khác, có cần gì cô cứ nhận chuông.
Thúy gật đầu vâng dạ. Hôm vào bệnh viện tới nay, nàng nghe Phương
nói thế không biết bao nhiêu lần: “Có cần gì cô cứ nhận chuông”! Nhưng
lúc nào nàng tỉnh, cũng thấy Phương ở bên cạnh. Sự chu đáo đó cũng khiến
cho Thúy bớt buồn rầu. Chẳng bằng khi nằm ở phòng trọ, suốt ngày, suốt
đêm chỉ có một mình, không ai thăm hỏi! Lắm lúc khát nước, nàng phải bò
xuống cái chum mà uống đỡ! Diệp Thúy trùm mền lên đầu. Cứ nghĩ tới sự
cô độc bơ vơ, nàng phát rùng mình. Nàng sợ lắm rồi, những ngày nằm ủ rũ
một thân, chẳng ai thèm ngó tới!
Thật bội bạc thay cho lòng dạ con người! Lúc nàng còn đẹp, còn đi
làm, hàng ngày biết bao người đến thăm viếng. Ai cũng muốn mua chuộc
cảm tình của nàng. Rồi đến khi nàng lâm bệnh, thường nhựt vẫn có người
mang hoa tới và trái cây không lúc nào thiếu ở trên bàn.
Nhưng cơn bệnh dằng dai, cứ kéo dài hết ngày nầy qua tháng nọ, bạn
bè cũng lơi dần, đừng nói chi đến những loài "ong bướm" bên ngoài. Diệp
Thúy bắt đầu chán ngán tình đời và càng chán nản cái kiếp sống ở vũ
trường. Nàng ví mình như một loài hoa tàn nhụy rữa, "bướm ong" còn tìm
đến làm chi?! Thúy chợt nhớ đến bức ảnh của mẹ vẫn để bên mình. Nàng
kéo mền xuống cầm lên xem.
Thuở ấy, nàng mới lên 9, tóc còn xõa xuống hai bên má, đôi mắt sáng
long lanh, trong lòng chưa vẩn đục! Còn mẹ nàng hiền dịu quá, đôi mắt bà
buồn thảm làm sao! Phải chi, mẹ còn sống thì đời nàng chắc không đến nỗi
như thế nầy.
Càng nghĩ, Thúy càng thấy giận người cha bội bạc mà nàng không
nhớ mặt, rõ tên. Phải chi ông biết nghĩ tới đứa con lạc loài mà đi tìm kiếm,
đùm bọc chở che thì nàng đâu phải dấn thân vào cái nghề không lối ra.
Thúy khổ quá khi nhớ đến những ngày đầu tiên bước chân lên Sài Gòn...