III. Trong cái tên, ấn chương
Đây là câu chuyện của một người Mộng du, do một người Mộng du
khác kể lại; cuộc phiêu lưu của một người đàn ông, hay đúng hơn là
của hai người đàn ông ước muốn quay lại thiên đường. Cả hai người
đều tin mình từng biết tới thiên đường. Họ mang trên cơ thể những
dấu ấn của việc họ đã đi qua nơi chốn đặc biệt này, những dấu
thần của niềm khao khát và những con dấu của nỗi đam mê.
Thời gian, khoảng cách, mọi thứ chia cách họ; chỉ có trạng thái
sống trong mơ kết nối họ lại với nhau.
Tôi nói “họ”, song đáng ra tôi phải nói là “chúng tôi” thì mới đầy
đủ sự chân thành và đỡ hổ thẹn hơn, bởi vì, như tôi vừa nhận ra, người
đàn ông thứ hai chẳng phải ai khác mà chính là tôi. Aziz đã xa, nhưng
tôi cảm thấy như ông ở ngay bên cạnh mình lúc tôi phát hiện ra
những dấu thần của ông trong tất cả thư tác ông viết, trong tất
cả những điều tôi biết về ông, vào thời điểm hiện tại, rất nhiều
năm sau khi ông qua đời. Tôi đang nói về một người Mộng du xa xôi.
Cuộc kiếm tìm của ông đã đánh thức trong tôi sự tò mò vô cùng
mãnh liệt. Tôi có cảm tưởng nó bao gồm rất nhiều điểm trùng với
cuộc kiếm tìm của tôi.
Hơn thế, tôi thấy Hawwâ, người đàn bà trong câu chuyện của
ông, rất thân thuộc với mình, như thể cả tôi và ông đã yêu nàng, bất
chấp bao nhiêu thập kỷ và đại dương ngăn cách chúng tôi.
Bởi vậy, khi tôi viết ra điều này, không chỉ có trí tò mò đơn
thuần và nhu cầu khẩn thiết được đồng nhất với ông khích lệ
tôi, mà còn thoáng có chút lòng ganh tị nữa. Tôi biết là thật phi lý,
thậm chí là dị hợm khi nuôi dưỡng niềm đam mê như vậy với những