Tôi tưởng y sẽ rút súng bắn chết tôi. Nhưng thằng cha khỏe như vâm ấy
chỉ ối - ối ầm ĩ. Tôi quất một đòn nữa vào mặt y, đoạn ghê tởm vứt roi đi.
Y lao như tên bắn ra sân, tháo chạy rất lẹ đến nửa cây số mới dám hô
hoán lên: “Cứu tôi với!”
Rưgôrơ biết chuyện, tỏ vẻ không đồng tình với tôi. Anh nói tôi đã làm
hỏng bét cơ sự, chỉ ngày mai chắc chắn tôi sẽ bị gọi lên huyện và chưa biết
chừng sẽ bị giam một tuần hoặc bị trục xuất ra khỏi huyện. Vậy mà ở đây
đang cần tôi bởi vì đã bắt đầu những đêm tối trời nhất. Tuy nhiên, tôi không
ân hận gì. Tôi đã dồn tất cả lòng căm thù lên ngọn roi. Dù cho chính quyền
hiện có không động một ngón tay để giúp tôi cũng chẳng sao, vì giờ đây tôi
đã rõ ai là bạn, ai là thù.
Mọi sự việc khác trong ngày hôm ấy và cả ngày hôm sau chỉ còn ghi lại
lờ mờ trong ký ức tôi. Ông lão Đubôtôpkơ đôn hậu khóc nức nở, gục đầu
trên thi thể người đã khuất. Tội nghiệp, ông lão vẫn còn phải lê từng bước
sau vụ bị tôi “thết đãi”. Nađêia đứng chết lặng cạnh quan tài, gương mặt
trùm khăn đen trông tái nhợt, buồn rầu và lại càng tuyệt đẹp, trinh khiết.
Tiếp đến là tang lễ mà tôi chỉ còn nhớ như một giấc mơ. Tôi đỡ tay
Nađêia dắt nàng đi và chỉ loáng thoáng thấy trên nền trời thu xám ngắt cả
một đoàn người đầu trần lặng lẽ bước, và những cây bạch dương khẳng
khiu rắc rắc lá vàng khô xuống dưới chân họ. Gương mặt người quá cố
bồng bềnh trôi đi trên đầu đoàn người.
Đi sau quan tài, đàn bà có, đàn ông có, cả trẻ em, cả người già. Tiếng nức
nở khe khẽ cất lên khắp đó đây. Rưgôrơ đi đầu, lưng vác một cây thập ác
lớn bằng gỗ sồi.
Và vang lên mỗi lúc một to hơn, bao trùm trên cả đoàn người rầu rĩ, trên
khắp mặt đất ướt át, là những tiếng khóc than của các bà khóc hộ:
– Em bỏ chúng tôi đi đâu, hỡi em? Hỡi ôi em yêu em quý, sao mà vội
yên nghỉ giấc ngàn thu? Sao mà vội khép chặt cặp mắt sáng? Sao mà vội
xuôi đôi tay? Từ nay biết lấy ai là người che chở chúng tôi trước các quan
tòa bất công? Vì chưng các pan trong vùng còn nhẫn tâm hơn, vô đạo hoàn