– Anh ngốc lắm, Rưgôrơ ạ, - tôi lạnh nhạt đáp, - Xvetilôvich cũng nói
pan, vậy mà suốt một đời ngắn ngủi chỉ làm mỗi một việc là đi bênh vực
bọn ngu ngốc các anh, chống lại bè lũ sliăcta tham lam cùng bọn quan tòa
hống hách. Anh không nghe dân chúng khóc anh ta à? Tôi cũng sẵn sàng
chết như vậy... vì đám dân cày các anh. Anh nên im đi thì hơn, nếu như
thượng đế đã quên ban trí khôn cho anh.
– Thôi được, cậu đừng giận... Cậu có lá thư đây. Nó nằm ở nhà
Xvetilôvich đã ba hôm nay, thư để địa chỉ nhà cậu ấy mà... Ông đưa thư
bảo hôm nay lại vừa đem đến lâu đài Rừng Tùng Đầm Lầy cho cậu một lá
nữa. Thôi chào cậu. Mai tôi lại đến.
Tôi bóc thư ngay tại chỗ. Đó là thư từ trên tỉnh gửi về, của một chuyên
gia phả hệ địa phương đây mà tôi đã từng viết thư nhờ vả. Thư giải đáp một
trong những vấn đề quan trọng nhất.
“Trình quý ngài chí tôn kính, pan Bêlôrétxki. Tôi xin gửi tới quý ngài
những thông tin về người mà quý ngài quan tâm. Trong toàn bộ các mục
lục phả hệ của tôi cũng như trong các bộ thư tịch cổ bìa bọc gấm, không
một nơi nào tôi tìm được chút gì chứng tỏ sự lâu đời của dòng họ Bécman –
Gatxêvich. Tuy nhiên, trong một văn bản cũ tôi bắt gặp một thông báo đáng
lưu ý. Hóa ra, vào năm 1750, trong vụ án người tà thuyết tên là Nhêmirich
có nhắc đến một kẻ họ Bécman – Gatxêvich vì những hành vi bất lương đã
bị kết tội trục xuất ra khỏi cương phận vương quốc Ba Lan cũ và tước hết
các quyền lợi quý tộc. Người mang họ Bécman ấy là anh em cùng cha khác
mẹ với Jarôsơ Janốpxki biệt hiệu là “Kẻ ly giáo”. Chắc hản quý ngài phải
biết rõ rằng khi chính quyền đã thay đổi thì các bản án cũ không còn hiệu
lực, nên ông Bécman, nếu quả là hậu thế của Bécman nói trên đây, có thể
đòi hỏi được thừa kế dòng họ tiểu thư Janốpxkaia trong trường hợp ngành
trưởng của gia tộc này tuyệt tự. Xin kính chúc quý ngài v.v và v..v..”
Tôi sửng sốt, đứng như chôn chân đọc đi đọc lại bức thư, mặc dù trời đã
tối, nét chữ lòa nhòa trước mắt.
– Quỷ thật!... Thế là rõ cả. Cái tên Bécman bỉ ổi, cái tên vô lại ranh ma
ấy cũng là người thừa kế Janốpxkaia.