Nhưng tôi chỉ muốn lấy lòng Diệp Tử Long như Giang Thanh thôi. Tôi
nói thẳng với Mao, tôi nghĩ gì về Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều, rồi kết
luận rằng những người khác đều không có cảm tình đối với cả hai người.
Mao đáp:
- Họ có ích đối với tôi. Đồng chí hãy cố hòa hợp với họ.
Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu tại sao cả hai lại hữu dụng đối với Mao. Chỉ
những năm sau này tôi mới biết được sự bí mật về quyền lực của họ.
Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình ở trong tình trạng ngột ngạt – không
phải vì Mao, người mà tôi luôn tôn kính, cũng không phải vì Giang Thanh,
mà là vì những cộng sự của nhóm Một. Những kẻ nịnh bợ này làm cho tôi
khó chịu và tôi chán ngấy những lời nhắc nhở tôi nên bợ đỡ ai hoặc tôi phải
sốt sắng với ai. Mặc dù tôi là người cộng sự gần gũi nhất của Mao, nhưng
những thành viên của nhóm Một lại coi tôi chẳng ra gì. Diệp Tử Long và
Lý Ẩm Kiều – nói chung, cả đám thư ký và vệ sỹ – có thể ví như các hoạn
quan trong hoàng cung, suốt ngày tranh nhau lấy lòng vua, chuyển lệnh của
vua và lợi dụng ảnh hưởng của họ để dọa nạt và làm nhục người khác.
Người ta trông chờ tôi cất lòng tự trọng của mình đi và thành kẻ xu nịnh.
Mặc dù là bác sỹ riêng của Mao, nhưng tôi vẫn bị Diệp Tử Long và Lý Ẩm
Kiều đối xử thô lỗ.
Tôi đã cố gắng để tình hình của tôi sáng sủa hơn. Mao vẫn còn khỏe và
không cần bác sỹ túc trực hàng giờ bên ông. Nếu tôi ở lại thì có lẽ tôi không
bao giờ trở thành một thầy thuốc giỏi, nhưng tôi lại luôn luôn muốn chứng
tỏ rằng, mình là một bác sỹ.
Bởi vậy, tôi đã quyết định từ chức.
Trước hết tôi nói với Uông Đông Hưng. Ông ta ngạc nhiên nhìn tôi, cố
động viên tôi:
- Đồng chí đã làm được nhiều việc cho Chủ tịch đấy chứ. Đồng chí đã
giải quyết được vấn đề bạch cầu và kê toa thuốc ngủ mới cho Chủ tịch.
Đồng chí không được xem xét mọi việc một cách khe khắt như thế, mà
đồng chí phải nghĩ đến đảng. Người ta không dễ có được một chức vụ như