Đông Hưng và La Thụy Khanh tìm cách cản Mao. Tôi và Mao đã vật lộn
với những cơn sóng dữ – một cảm giác kích động, đôi khi còn hãi hùng
nữa. Sóng biển nâng chúng tôi lên cao, ném chúng tôi vào không trung rồi
dìm chúng tôi xuống biển sâu. Vì ngạt thở, tôi cố vấy vùng để nhô lên mặt
nước. Tôi thường phải dốc hết sức bơi về phía chiếc bè, để sau đó lại được
một con sóng lớn ném trở lại bãi cát.
Ở vùng biển đó có rất nhiều cá mập. Đám lính gác của Mao đã giăng lưới
phía trước bè, không cho cá mập vào gần. Lần nào lính gác bắt được cá
mập, họ đều cho Mao xem – một lời cảnh cáo ngầm: đừng bơi quá xa.
Mao thường ở lại bên bãi cát đến tận chiều. Ông đọc tài liệu hoặc tán
chuyện với những vị lãnh đạo khác của đảng. Một căn lều vừa là phòng
khách vừa che nắng cho ông.
John, cậu con trai của tôi mau chóng quen với cuộc sống ở Bắc Đới Hà.
Đây là kỳ nghỉ hè đẹp nhất của cậu bé. Cháu trở về Bắc Kinh với nước da
rám nắng, trông thật khỏe khoán. Chiều chiều, các nhân viên an ninh cùng
đi bơi với cháu. Tối đến, họ lại cùng nhau đi xem phim. Lý Minh cũng có
thiện cảm với cháu. Hai đứa trẻ thường cùng chơi với nhau. John ở với tôi,
sáng nào cháu cũng gấp chăn màn cho tôi, và lo quần áo của hai bố con lúc
nào cũng sạch sẽ. Tôi rất tự hào về tư cách của cháu.
Những lãnh tụ khác của đảng cũng thường lui tới Bắc Đới Hà, nhưng tôi
thường gặp Lưu Thiếu Kỳ và Chu Đức.
Nhưng chính trị gia khác ngại Mao, bởi vậy họ thường sống khá dè dặt.
Họ tắm ở bãi tắm riêng của mình và tổ chức những tối khiêu vũ riêng trong
những khu nhà mà chính phủ dành cho họ trên quả đồi phía đông. Hiếm khi
họ dám tới gần Mao. Tôi không muốn quan hệ với họ, vì Mao mong đợi ở
chúng tôi lòng trung thành tuyệt đối và sợ chúng tôi có thể tiết lộ những bí
mật của ông.
Tuy nhiên Chu Đức có vẻ không biết là Mao vẫn không ưa ông. Ông
thường ra bãi cát mỗi khi Mao ở đó, thậm chí đôi khi ông còn tán chuyện
với Mao ở trong lều.