Phần II
Nghe Pháp khi tâm đã đạt đến một mức độ trống không cơ bản là
điều rất hữu ích. Nó giống như thuốc tăng lực, vì khi đang bệnh, tất
nhiên là chúng ta sẽ bị đau đớn quấy rầy; nhưng nếu ta không để tâm đến
nó, thì đó chỉ là vấn đề của thân, không liên quan gì đến tâm. Khi lắng
nghe Pháp, hãy lưu ý đến điều này: Tâm phải buông cái đau để lắng nghe
giáo lý, hãy để cái đau lo việc của nó. Rồi tâm sẽ trống không.
Một khi tâm thực sự nhận ra chân lý rằng tất cả các pháp hữu vi đều
vô thường, thì tâm sẽ phải buông bỏ chấp. Vấn đề ở đây là chúng ta chưa
thật sự nhận thấy điều này, hoặc chưa chiêm nghiệm đầy đủ về điều này.
Trái lại khi ta làm được điều này, thì tâm luôn trở nên sáng rạng. Sự hiểu
biết rõ ràng khiến tâm lập tức sáng rỡ. Vì vậy hãy tiếp tục quan sát các
pháp một cách cẩn thận. Dầu không thấy gì nhiều, chúng ta cũng nên
chánh niệm về tâm khi nó duy trì sự cân bằng ở mức độ cơ bản của xả ly
và trống không. Như thế nó sẽ không thể nào tạo tác cái đau của thân
thành bất cứ vấn đề to tát nào, và chúng ta không cần phải bám víu vào
đó.
Vì vậy hãy nhận biết cơn đau ở ngay mức độ nơi nó chỉ là một cảm
giác của thân. Đó có thể là cái đau của thân, nhưng đừng để tâm bị đau
theo. Nếu ta để tâm cùng bị đau theo, thì tâm, sẽ chất chồng mọi thứ, lớp
này trên lớp kia. Vì thế bước đầu tiên là bảo vệ tâm, buông bỏ các pháp,
rồi quay vào bên trong để tìm phần sâu thẳm, tận cùng nhất của tâm thức
và trụ ngay nơi đó. Chúng ta không cần phải quan tâm đến cái đau bên
ngoài. Nếu ta chỉ cố gắng để chịu đựng cơn đau, nó có thể quá sức chịu
đựng của ta. Vì vậy hãy tìm khía cạnh sâu thẳm của tâm, rồi ta sẽ có thể
buông bỏ hết mọi thứ sang một bên.
Nếu có thể quan sát cái đau, hãy cố gắng làm điều đó. Tâm sẽ ở
trạng thái trung tính bình thường, tịch lặng với sự rỗng không nội tại của
nó, quán sát cái đau khi nó biến đổi, rồi qua đi. Nhưng nếu cơn đau quá
dữ dội, thì hãy quay vào bên trong; vì nếu chúng ta không thể chịu đựng
nổi, thì ái dục sẽ bắt đầu xuất hiện, khiến ta muốn xua đuổi cái đau để
tìm sự dễ chịu. Điều này sẽ tiếp tục chồng chất lên nhau, làm đảo lộn cả
tâm.
Vì vậy hãy bắt đầu bằng cách giải quyết vấn đề trước mắt. Nếu cái
đau bất ngờ và dữ dội, lập tức hãy quay vào quán niệm nơi tâm. Chúng
ta không muốn quan tâm đến thân, quan tâm đến cái đau nơi thân. Đừng
nhìn chúng. Đừng quan tâm tới chúng. Hãy trụ vào phần sâu thẳm nhất