rồi buông xả. Chúng ta cần phải thực tập để có thể thực sự đối phó với
cái đau. Nếu ta có thể buông bỏ cái đau của thân, thì ta cũng sẽ có thể
buông bỏ được các loại khổ đau khác. Hãy quan sát cái đau, nhận biết
nó, rồi buông bỏ nó. Một khi ta đã có thể buông bỏ nó, ta không cần phải
chịu đựng nhiều. Dĩ nhiên, lúc đầu chúng ta cần nhiều chịu đựng. Khi cái
đau xuất hiện, hãy tách tâm khỏi cái đau. Hãy xem đó là cái đau của
thân. Đừng để tâm cũng bị đau đớn theo.
Đây là lúc mà ta cần đến tâm xả. Nếu chúng ta có thể giữ được sự
bình thản khi vui cũng như lúc khổ, thì nó sẽ giúp cho tâm bình lặng –
dầu cái đau vẫn còn đó. Tâm luôn nhận biết, chịu đựng cơn đau để rồi
buông bỏ nó.
Sau khi tu tập như vậy một thời gian, ta sẽ nhận thức được rằng các
trạng thái của tâm quan trọng đến dường nào. Việc luyện tâm có thể rất
khó, nhưng hãy cố gắng. Nếu có thời gian, chúng ta có thể hành thiền ở
nhà, vào buổi tối hay sáng sớm. Hãy luôn quán sát tâm, ta sẽ đạt được tri
kiến từ chánh niệm tỉnh giác. Những ai không tu tập như thế sẽ trải qua –
sinh, lão, bệnh, tử- mà không hiểu biết chút gì về tâm.
Nếu ta biết rõ tâm mình, thì khi có bất cứ căn bệnh ngặt nghèo nào
xảy đến, tâm chánh niệm sẽ giúp làm giảm sự đau đớn. Nhưng đó là điều
ta phải thực hành. Không dễ, nhưng một khi tâm đã được rèn luyện tốt,
thì không có gì thắng nổi nó. Tâm sẽ giúp ta thoát khỏi những đau đớn,
khổ sở, và nó không còn lăng xăng, bứt rứt. Nó sẽ yên tịnh và mát mẻ -
tươi mát và rạng rỡ ngay bên trong nó. Vì thế, hãy cố gắng trải nghiệm
tâm yên tịnh, lắng đọng này.
Đây là một khả năng quan trọng cần được phát triển, vì nó sẽ làm
yếu đi các ham muốn, ô nhiễm và mê đắm. Tất cả chúng ta đều bị nhiễm
ô. Tham ái, sân hận và si mê luôn che mờ tâm trí ta. Nếu không hành
thiền tâm ta sẽ luôn bị nung đốt bởi khổ đau, phiền não. Các dục lạc từ
vật chất bên ngoài cũng chỉ là niềm vui nửa vời, vì vẫn có khổ đau, phiền
não trong sự si mê khi cho rằng các thứ này có thể mang đến niềm vui.
Còn niềm vui trong thiền định, là niềm vui nhẹ nhàng, buông thư mọi
thứ, thật sự thoát khỏi bất cứ khái niệm gì về tôi hoặc của tôi. Mong rằng
chúng ta đạt được Pháp, đó mới là điều cốt lõi của tâm tỉnh thức không
bị uế nhiễm, khổ đau hay bất cứ thứ gì quấy nhiễu.
Dầu thân có đau, chúng ta cũng phải tìm cách buông bỏ. Thân chỉ là
tập hợp của bốn yếu tố -đất, nước, gió và lửa. Nó luôn biểu hiện sự vô
thường và khổ, vì thế hãy giữ tâm chánh niệm an nhiên, buông xả. Hãy
để tâm vượt lên trên mọi cảm thọ –vượt trên lạc, trên khổ, trên tất cả mọi
thứ.