Chọn Một Vị Thế
Bình thường tâm không tự ý dừng lại để quán sát, để tìm hiểu bản
thân, chính vì vậy chúng ta phải không ngừng rèn luyện tâm để nó lắng
đọng, trở nên yên tịnh, không còn lăng xăng, tán loạn. Hãy để cho tham
ái và các tiến trình suy tưởng lắng xuống. Hãy để tâm chọn một vị thế
trong trạng thái an nhiên, không ưa, không ghét bất cứ điều gì. Để đạt
được mức độ căn bản của rỗng không và giải thoát, trước hết chúng ta
cần chọn một vị thế. Nếu ta không có một vị thế để từ đó đo lường mọi
thứ, thì ta sẽ khó có tiến bộ. Nếu sự tu tập, hành thiền của chúng ta khi
có, khi không –một chút này, một chút kia– thì chúng ta sẽ không đạt
được kết quả gì. Vì thế, trước hết tâm phải chọn lấy một vị thế.
Khi chúng ta tạo được vị thế nơi tâm có thể duy trì trạng thái an
nhiên, không sa vào tương lai hay quá khứ. Hãy để tâm tự nhận biết bản
thân trong vị thế hiện tại: “Ngay bây giờ, đó là trạng thái an nhiên. Cái
ưa, cái ghét chưa phát khởi. Tâm chưa có vấn đề gì. Nó chưa bị tham ái
quấy nhiễu”.
Kế đến hãy quan sát trạng thái cơ bản của tâm để xem nó có an
nhiên, vắng lặng. Nếu chúng ta thực sự nhìn vào bên trong, thực sự ý
thức bên trong, thì cái đang quan sát và đang biết là tâm chánh niệm tỉnh
giác trong và của chính nó. Chúng ta không cần tìm kiếm bất cứ thứ gì, ở
bất cứ đâu để đến thực hiện việc quan sát cho chúng ta. Ngay khi ta vừa
dừng lại để xem tâm có ở trong trạng thái an nhiên, thì nếu tâm an nhiên,
ta lập tức biết tâm an nhiên. Nếu nó không an nhiên, ta cũng biết như thế
ngay lập tức.
Hãy cố gắng giữ sự chú tâm này. Nếu chúng ta có thể duy trì cái biết
này liên tục, thì tâm cũng sẽ có thể duy trì vị thế của nó liên tục. Ngay
khi chúng ta vừa chợt nghĩ là cần quán sát điều gì đó, thì ta lập tức dừng
lại và quán sát mà không cần phải đi tìm kiếm cái biết ở nơi nào khác. Ta
quán sát, ta biết ngay nơi tâm, biết rằng nó có trống vắng, yên tịnh hay
không. Nếu có, thì ta quán chiếu xem nó trống vắng như thế nào, nó yên
tịnh như thế nào. Đây không phải là trường hợp mà một khi tâm trống
vắng, yên tịnh là chấm dứt. Không phải là như thế chút nào. Chúng ta
phải tiếp tục theo dõi; phải luôn quán sát. Chỉ có như thế chúng ta mới
nhận ra được sự chuyển hóa – sinh và diệt– xảy ra ngay nơi cái rỗng
không, cái yên tịnh, cái trạng thái an nhiên.
---o0o---