Sự thử thách cơ bản trong tu tập là điều này, không có gì khác hơn:
làm thế nào quan sát nội tâm để ta nhìn thấy rõ ràng xuyên suốt. Nếu tâm
không được rèn luyện để nhìn vào bên trong, nó sẽ nhìn ra bên ngoài, chỉ
chờ đợi để tiếp nhận các đối tượng từ bên ngoài – và kết quả là tâm trở
nên tán loạn vì những cảm xúc vào ra, vào ra. Và dầu sự loạn động đó là
một đặc tính của sự biến đổi và vô thường, chúng ta không thấy được
như vậy. Thay vào đó, chúng ta thấy nó là những vấn đề, tốt-xấu, liên
quan đến bản ngã. Nếu là vậy, thì chúng ta đã thụt lùi trở lại điểm khởi
hành, khi ta không biết điều gì cả. Chính vì vậy các cảm xúc của tâm,
dường như rất kỳ bí, khó nhận biết, khi tâm chưa tự biết bản chất của nó.
Nếu chúng ta cố gắng tìm hiểu chúng qua sách vở, kết quả là ta chất
chứa thêm nhiễm ô vào tâm, khiến nó càng bị che phủ dầy hơn trước.
Vì vậy khi quay vào quán sát nội tâm, chúng ta không nên sử dụng
các khái niệm, sự phán đoán, đặt tên làm phương tiện giúp ta tìm hiểu.
Nếu làm thế, chúng ta sẽ chẳng đạt được gì ngoại trừ sự sinh, trụ và hoại
diệt của các khái niệm. Tất cả được chế tác thành suy tư, vọng tưởng –
vậy thì làm thế nào ta có thể quán sát trong tột cùng thinh lặng? Ta càng
mang những kiến thức học được từ sách vở vào bên trong để quán sát nội
tâm, thì ta càng thấy ít hơn.
Vì vậy khi nói đến tu tập, chúng ta phải bỏ sang một bên tất cả
những khái niệm, những phán đoán, đánh giá mà chúng ta đã học được.
Chúng ta phải bắt đầu trở lại với tâm trong sáng, vô tư. Có như thế ta
mới có thể đào sâu đến chân lý bên trong ta. Nếu chúng ta kéo theo bao
thứ lỉnh kỉnh của các khái niệm, các nguyên tắc mà ta đã biết, thì ta có
thể tìm kiếm cho đến chết cũng không tìm được bất cứ chân lý nào.
Chính vì vậy ta chỉ theo dõi một đề mục khi tu tập. Nếu tâm để ý đến quá
nhiều đề mục, nó sẽ trở nên lăng xăng đầu này, đầu nọ –phóng dật mà
không biết điều đó, cũng như không thật sự biết bản chất của mình. Đó là
lý do tại sao những người học nhiều thích chỉ dạy người khác, để khoe
khoang trình độ hiểu biết của mình. Và đây chính là khi ước muốn được
nổi bật lại khiến tâm trở nên mê mờ.
Trong tất cả các loại dối trá, không có gì tệ hơn là tự lừa dối bản
thân. Khi chúng ta chưa thực sự nhận biết chân lý, làm sao ta có thể tự
nhận mình như thế, rằng mình đã đạt được cái biết này hay cái biết kia,
hay ta đã đủ kiến thức để dạy lại người khác cho đúng? Đức Phật từng
phê phán những vị thầy kiểu này. Ngài gọi họ là “những người sống một
cách phù phiếm”. Dầu ta có thể dạy một số đông người trở thành các bậc
A-la-hán, nhưng chính bản thân ta chưa tự nếm được vị của Pháp, thì
theo Đức Phật, chúng ta vẫn là những người sống một cách phù phiếm.