Những Ngụy Tạo Của Cái Biết
Chúng ta phải có phương cách xem xét, quán chiếu, để khi tuệ phát
khởi, nó làm hiển lộ thực tánh Pháp, giúp ta hiểu biết sự vật như thế nào.
Hãy cẩn thận để nhận biết cả hai trường hợp khi cái biết của nó là đúng
hay sai. Đừng lầm lẫn, coi cái biết sai là đúng, hoặc cho cái biết đúng là
sai. Việc đánh giá về sự sai hay đúng của cái biết rất quan trọng trong tu
tập, vì những thứ này có thể gạt gẫm ta.
Xin đừng quá phấn khích khi đạt được chút hiểu biết mới mẻ nào.
Vì chính sự hiểu biết đó cũng nhanh chóng biến đổi – biến đổi ngay
trước mắt ta. Nó không đợi đến lúc nào khác hay ở nơi khác. Nó thay đổi
ngay trong hiện tại. Chúng ta phải biết cách quán sát, biết làm sao để
quen thuộc với sự lọc lừa của cái biết. Dầu đó là cái biết đúng ta cũng
không thể chấp vào đó.
Trong quá trình tu tập, có thể chúng ta cũng có những chuẩn mực để
đánh giá loại hiểu biết nào là đúng, nhưng xin đừng vội bám víu vào cái
biết đúng đó - vì cái biết đúng cũng vô thường. Nó biến đổi. Nó có thể
trở thành cái biết sai hay cái biết đúng hơn nữa. Chúng ta phải quán
chiếu sự vật một cách thận trọng –rất, rất thận trọng. Được thế, ta sẽ
không sập bẫy vì chính cái biết của mình khi nghĩ, “Tôi đã đạt được trí
tuệ sâu sắc; Tôi biết nhiều hơn người khác”. Đừng vội cho rằng ta đặc
biệt hơn người. Ngay giây phút ta tự cho mình là thế nào đó, thì cái biết
của ta tức khắc trở nên sai lệch. Dầu ta không biểu lộ điều đó ra ngoài,
thì việc tâm tự đánh giá cũng là một dạng của cái biết sai lệch, âm thầm
che phủ tâm.
Đó là lý do tại sao những thiền sinh không thường quán chiếu,
không thấy được sự giả dối dưới mọi dạng hiểu biết – đúng và sai, tốt và
xấu – thường bị sa lầy. Sự hiểu biết đã lừa dối họ khiến họ nghĩ rằng,
“Những gì tôi biết là đúng”, làm trỗi dậy lòng tự hào, ngã mạn mà ngay
chính họ cũng không ý thức được điều đó.
Các uế nhiễm luôn hoạt động mà chúng ta không hay biết. Chúng
rất quỷ quyệt, do đó chúng xâm nhập vào các hoạt động của ta, vì tâm ô
nhiễm và các lậu hoặc luôn có mặt trong cá tính của ta. Công phu tu tập
của chúng ta căn bản là dựa trên sự quán sát sâu lắng, từ những lớp vỏ
bên ngoài cho đến những lớp bên trong của tâm. Đây là một phương
cách đòi hỏi rất nhiều tinh tế và chính xác. Tâm cần sử dụng sự chánh
niệm tỉnh giác của nó để bứng tất cả mọi thứ ra khỏibản thểcủa nó, chỉ
còn lại bản tâm và bản thân, sau đó tiếp tục quán sát chúng.