Phần Một
I
T
hị trấn biên giới này đã từng nổi tiếng một thời là hòn ngọc, là viên kim
cương của vùng địa đầu đất nước. Đã có biết bao trang giấy viết về nó, phủ
lên nó một vẻ đẹp hoang dại và huyễn hoặc, trong khi thực tình nó cũng
như một thực thể sinh học, đã được hoài thai, sinh ra, lớn dậy và cũng đã có
những thời kỳ chói lọi vàng son.
Thời Nguyễn, nó là một cửa khẩu thông thương sầm uất ở phía Bắc, là
một trong mười cửa khẩu mỗi năm thu về mười vạn quan — ba quan ngang
giá một lạng vàng — thuế cố định: suốt thế kỷ mười chín, trong số mười
thương khẩu lớn của cả nước, nó đứng hàng thứ ba.
“Châu thuyền tấu tập lợi nguyên sa” (Thuyền bè tấp nập, buôn bán đông
đúc vì ở đây có nhiều nguồn lợi). Chẳng phải vô tình mà Nguyễn Quang
Bích
— ông tuần phủ, nhà thơ — có câu thơ chữ Hán đó, khi đi qua đây,
lúc chốn này có tên là Bảo Thắng Quan, thuộc đạo Hưng Hóa.
Dân số của nó, trong những ngày gần đây, đã vọt tăng. Nó phình ra và
nhộn nhạo toàn dân tứ chiếng, toàn người từ các nơi khác đến ngụ cư, ăn
nhờ ở đậu. Từ trên xuống, kể tên từng vị, từ ông thư ký tòa sứ tới các ngài
chủ sự dây thép, kho bạc, các giáo chức, y tá, y sĩ, ký ga... thì không dân
Hà Nội cũng người Thái Bình, Nam Định... được đưa lên đây theo định kỳ