từ bên trong ra đến diện mạo, ăn mặc lố lăng, ngôn ngữ đểu cáng, rượu, gái,
sợ chết, lại thường bị đẩy vào những tình huống tức cười ngớ ngẩn (Buổi
họp thị trấn. Cảnh đón Vũ Khanh. Buổi họp ở nhà Cercle khiến chúng như
một hành thi (thây ma đi, từ Đông y) đẩy ngón tay út cũng ngã. Có thể ở
những đoạn mô tả các quán ăn chơi bời trước kia, tác giả chỉ được nghe kể
lại, phải tưởng tượng ra nhiều hơn là từng trải (Quán Biên thùy). Có thể ở
cả tâm trạng các loại người cũ, cũng thanh khí nhưng khác lạ hẳn lớp người
anh, mà anh động chạm tới họ bằng những khắc họa ước lệ (Ngọc, Trọng).
Sự thiếu sót này chỉ đáng ví như người đứng xem tranh thấy một vài nét
màu vulgaire (tầm thường) lẫn lộn trong bức tranh sắc độ màu rất noble
(cao nhã) của anh.
Điều đáng tiếc thứ hai, bút lực của anh, sao mà không nhấn thêm, đậm
hơn lên cái đoạn mô tả cảnh Pao lao động. Anh có thể làm được lắm! Như
anh đã mô tả những đoạn tuyệt hay về cảnh hành quyết người Mèo, cảnh
Pao vật ngựa, cảnh Châu Quán Lồ dạy ngựa, cảnh ngày hộ sư các lực lượng
vũ trang dân tộc... Với quan điểm yêu quí người lao động như anh, bút
pháp của anh, mà chỉ chấm phá vài nét cảnh Pao đi cày, thật đáng tiếc. Anh
có cho biết là sợ trùng lặp với một cuốn sách khác của anh, đã mô tả kỹ
cảnh này, có trích học trong sách giáo khoa. Đừng câu nệ, anh Ma Văn
Kháng ạ. Cứ phải cho vào đây, để hoàn chỉnh một bức tranh đẹp, chặt chẽ
về mặt nội dung tư tưởng. Công phu ra thì vẽ lại với một nuance (sắc độ)
khác càng hay.
Cuốn sách chưa kết thúc, nó chỉ nên coi là tập I. Chắc tác giả sẽ còn cho
các nhân vật gặp nhau trong tập II, giai đoạn cuộc kháng chiến chín năm sẽ
có nhiều thăng trầm, mâu thuẫn, xung đột gay cấn hơn nữa. Số phận của
Châu Quán Lồ, của Pao, Lử, anh em Seng, Tếnh; những Chính, Đắc, Ngọc;
những Triệu Đại Lộc, Phô-rô-pông, các viên thổ ty... còn biết bao là tâm
trạng, là cảnh ngộ, là tính cách, sẽ va chạm nảy lửa.
Nếu coi đây là kết thúc thì cuốn sách lộ ra một nhược điểm lớn. Nhiều
nhân vật xử lý chưa hết mức. Có những nhân vật xuất hiện ở phần một rồi
mất hút (ông lão Lìu, bào lãi Lìu, sĩ quan cận vệ Mộng Huyền, võ sĩ Vận).
Nếu chỉ thế thì tác giả giống như một phù thủy non tay quyết, gọi âm binh