hứng từng ngọn cây. Lá xanh chưa mở con mắt, nhưng những cành đào
khẳng kheo, xám mốc suốt cả mùa đông, nhạy cảm với tiết xuân, lại đã bật
lên những nụ hoa, thoạt đầu chỉ như cái chấm nhỏ rồi ngày qua bụ dần,
mòng mọng, hồng hồng.
Mùa đông, lúc trời đổ ba gáo nước lạnh xuống trần gian, đã qua. Giờ,
trời đang trút xuống trần gian ba gáo nước ấm. Mùa xuân đã về.
Tết H'Mông đã tới. Lại như mỗi cái tết của đời người đàn ông, đàn bà vất
vả quanh năm, nhìn vào cái tết như nhìn thấy một niềm vui an ủi. Bố vất
vả, chờ ngày tết đón anh đón em. Mẹ cực nhọc, mong ngày tết đón bè đón
bạn. Cái tết sum họp, cái tết mở đầu năm mới với bao ước ao hy vọng đang
tới. Tranh tết, giấy đỏ viết điều mong ước dán đầy cửa, đầy liếp.
Chiều ba mươi tết, Pao mới theo ngựa thồ về tới Can Chư Sủ. Nhà lạnh
như hang đá. Bà Xóa đã mất. Lử không thấy mặt về. Cả nhà chỉ còn hố
pẩu, Pao và thằng Pùa.
— Pao, gọi thằng Pùa về đi, con.
— Để con giúp cha.
— Thôi, mình cha làm cúng cũng được. Nhà mình năm nay không có
lợn, cúng không làm to được đâu.
Hố pẩu nói khe khẽ, như cố giấu nỗi buồn tủi. Nhà nghèo. Còn bao nhiêu
tiền bạc dành dụm được thì cái đám ma của bà cụ cuốn đi hết. Trâu một
con, lợn ba con. Bà cụ hưởng thọ hơn trăm tuổi, đó là cái phúc lớn cho gia
tộc rồi. Bà cụ về, cũng là lúc đã đến cõi, nhưng vắng bà cụ mới thấy thiếu.
Bà cụ mất, nhà trống tênh trống toang. Hố pẩu phải đi kéo củi. Con lợn
không còn ai nuôi. Chuồng bỏ không, dỡ ra đốt dần.
Bàn thờ đã bầy xong. Hương đã thắp. Hố pẩu ngước lên cái bàn thờ chỉ
có hai chồng bánh gù, lòng chợt ắng lặng và nước mắt lại muốn ứa tràn.
“Thôi thì tổ tiên, ông bà cũng xá tội cho con cháu”. Hố pẩu nghĩ, tay với
cái cành trúc gài ở bếp. “Ma tà, ác quỷ, năm nay ám ở nhà này, hãy đi đi”.
Phạch, phạch... Cành trúc phất, đập. Cành trúc phất trên vách, đập trên gác
bếp, khua dưới gậm giường, quét quáy nơi xó cửa. Phạch, phạch... Mồ
hóng rơi, bụi bặm tan, rác rưởi ra. Cái ác, cái xúi đi đi!
Phạch, phạch... Lá trúc quất trong gió cuộn theo tiếng hố pẩu lầm thầm: