— Ai!
— Không biết tên. Có cái sẹo dài ở mặt. Đến hỏi anh Lử, rồi nói: Về
Phéc Bủng đây!
Pao cất khẩu súng, dặm lại ổ rơm, kéo thằng Pùa cùng nằm xuống. Gác
bếp nhà người ta nấu nướng nhiều khói um. Gác bếp nhà mình không khói,
thông thoáng dễ chịu quá. Thằng Pùa cựa mình loạt soạt.
— Anh Pao này!
— Gì?
— Năm nay, anh đi ở rể... thì ở nhà còn có một mình em.
— Ai bảo mày thế?
— Cha nói thế.
Pao ngồi dậy. Lòng bỗng xốn xang, năm mới, có cái gì ở trước mặt, cứ
phấp phỏng, không hiểu rủi hay may, sướng hay khổ, hay một cuộc đổi
thay, đảo lộn chưa từng có.
Ôm vai thằng Pùa, thốt nhiên Pao thấy thương nó bé bỏng:
— Pùa à, năm mới, chóng lớn lên, mười phần anh đi ở rể chỉ chắc hai
thôi. Nhưng chắc là anh không ở nhà đâu. Pùa ở nhà với cha.
— Anh Pao đi đâu?
“Anh Pao đi đâu?”. Thằng Pùa hỏi, đay đi đay lại. Pao không biết nói với
nó thế nào. Dưới nhà, hố pẩu vẫn ngồi bên bếp lửa. Đèn thắp sáng trưng
gian giữa.
Đèn thắp sáng trưng gian giữa suốt ba ngày tết như tục lệ tổ tiên. Đèn
thắp như chờ đợi, như nhớ mong ai. Hố pẩu ngồi dưới ánh đèn, chòm râu
xác xơ không rung động, thắc thỏm nỗi nhớ, nỗi mong. Lử vẫn chưa về.
Đứa con lớn thứ hai, nay là thứ nhất trong nhà, sao vẫn chưa về? Hố pẩu
không ưa tính Lử. Nhưng Lử là con của hố pẩu, ngày tết nó phải về. Và hố
pẩu vẫn nhớ mong nó.
Ngày mồng ba, vừa sáng, hố pẩu còn đang nấu nước uống thì Seo Cấu
tới: “Chào bác ạ, anh Lử vẫn chưa về hả bác?” Nhìn cái mặt sẹo của thằng
ấy, hố pẩu lo bời bời, lại càng mong đợi Lử về. Nhưng, hễ cứ nghĩ đến Lử
lại thắc thỏm, sợ hãi. Nhà có hai đứa con lớn, mỗi đứa đi một con đường.
Sự chia rẽ đã bắt đầu có ở ngay trong nhà này rồi? Nỗi lo sợ càng hiện rõ