Bên ngoài nắng rạng rỡ, tôi nhớ tới công chúa Minh Viễn, tỷ ấy là một nữ
nhân xinh đẹp, trang phục lẫn phấn son tuy không giống nữ tử Tây Lương
chỗ chúng tôi, nhưng lúc tỷ ấy bạo bệnh qua đời, cha tôi cũng đau lòng lắm.
Cha tôi đối xử với tỷ ấy rất tốt, cha nói, đối đãi với tỷ ấy tốt, cũng bằng
như đối với Trung Nguyên tốt.
Người Tây Lương chúng tôi, cứ ngỡ tưởng mình đối với người khác tốt,
thì người ta tự nhiên cũng sẽ đối tốt lại với mình. Nào có giống như người
Thượng Kinh, trong lòng lúc nào cũng tính toán lươn lẹo, trước mặt nói 1
kiểu, sau lưng làm một lẻo.
Nếu như là 3 năm trước đây, tôi nhất định sẽ đánh dẹp hết tất thảy bọn
người đó ngay giữa quán trà, thế nhưng bây giờ trong lòng đã nguội lạnh
lắm rồi.
Tôi và A Độ ngồi nghỉ chân bên cầu, những cánh buồm căng gió lướt
trên sông, người chèo đò cầm que sào dài ngoằng ngoẵng, chốc lát đã cắm
sâu xuống lòng sông, rồi cứ lùi dần về phía sau. Nhớ hồi mới đến Thượng
Kinh, thấy thuyền bè tôi còn ngạc nhiên vô cùng, xe mà cũng đi được trên
sông à? Thấy cầu tôi còn sửng sốt hơn, tưởng chừng đó như cầu vồng, là ai
đã xếp đá thành cầu vồng thế này? Ở Tây Lương của chúng tôi, mặc dù có
sông đấy, nhưng nước sông nông mà trong lắm, như một dải sa màu bạc
phủ lên thảo nguyên, nước sông “róc rách” chảy, ngồi trên ngựa là cũng lội
được qua, nơi ấy không có thuyền, cũng chẳng có cầu.
Từ lúc đến Thượng Kinh, tôi được chứng kiến biết bao sự vật trước nay
chưa từng được thấy, nhưng tôi chẳng vui vẻ chút nào cả.
Đúng lúc tôi đang ngẩn ngơ, đột nhiên có tiếng “ùm” vang lên cách đó
không xa, rồi lại tiếng người gào lớn: “Có ai không! Đại ca cháu rơi xuống
sông rồi! Có ai đến cứu với!”