Nửa đêm truyền hịch, rạng ngày xuất chinh…”
Tiếng trống đã nổi lên. Chừng như mặt trời sắp khuất, chỉ còn để lại một tia
yếu ớt trên tấm màn nhung đỏ. Đông Hà say sưa ngâm… Trống vẫn đánh,
vẫn kêu gọi tình nước. Trên bến sông có người chinh phụ tiễn chồng, nước
mắt như mưa. Ngày xưa chắc mẹ cũng ôm con đưa chân ba như vậy.
Trống gõ thưa dần… Người tráng sĩ chắc đã đi xa… Đông Hà dứt tiếng
ngâm, và đứng sững như tượng đá vọng phu…
- Đông Hà hay quá! Cảm động quá!
Đông Hà giật mình nhìn lại. Đơn còn cầm hai dùi trống trên tay. Một nụ
cười tán thưởng, một nụ cười vì xúc động nở trên môi Đơn. Đông Hà luống
cuống nói:
- Hà “tập tuồng”… Mình không quen hát ở ngoài, sợ ra gặp khán giả
khớp lắm.
- Đông Hà diễn như thật,
Đông Hà tháo mảnh khăn trên đầu, hỏi:
- Như thật là sao?
- Là làm cho người xem tưởng đây là người chinh phụ thật.
Đông Hà cười:
- Ở đây chỉ có một khán giả, mà khán giả đó lại đánh trống.
- Đông Hà chưa thấy gì ngoài kia sao?
- Cái gì hở Đơn?
Đơn bước tới, hé bức màn cho Đông Hà nhìn xuống dưới sân. Một chút
nắng còn sót lại đủ chiếu sáng loáng những vòng bánh xe. Một số khán giả
đã chờ sẵn ở đó, cùng với vợ con của họ. Đông Hà nghe cả tiếng trẻ nít xôn
xao. Một nỗi xúc động tràn đến. Đông Hà tưởng như mình là diễn viên thật
sự, sắp trình diễn trên sân khấu, mà dưới kia khán giả là những người sẽ
thưởng thức bằng tất cả thân tình.
Đơn khép màn lại, rồi ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ. Đông Hà hỏi:
- Đơn chưa bắt micro à?
- Chưa. Việc đó lo sau. Đơn muốn nói với Đông Hà một chuyện.