khó kiểm duyệt.
Khi nghe các bạn khuyên tôi xuất bản, thản nhiên, Cụ dạy : « Tùy nơi
anh ! Nếu thấy có thể giúp ích được thì cứ tự tiện. Còn tôi chỉ là người của
thế hệ trước. Đã qua rồi. Theo thế hệ đó, muốn đọc sách thánh hiền cần phải
thông Hán học mới trọn hiểu tinh thần. Anh chớ quên : theo chúng tôi, Hán-
văn là sự cần thiết, không thể không ; còn phiên dịch là sự bất đắc dĩ… Anh
cũng nên nhớ giùm tánh tôi ưa thanh tịnh, ít ham đời nói đến tên… »
Lời nhắc nhở ấy – đối với chúng tôi – là một mạng lịnh.
Vì sự yêu cầu đó mới có lời phân trần lè nhè nầy. Chớ đâu phải vì
chúng tôi. Nào có muốn phô trương thằng tôi khả ố nầy làm gì cho rườm tai
độc giả !
Vì công lớn của cụ trong sự phiên dịch ;
Vì sự giúp đỡ của các bạn : trước là ông Trương Quan cho sách, sau là
các bạn Đỗ-Thiếu-Lăng giúp tài liệu, bạn Nguyễn-Duy-Cần cho xem vài
bài Đông-Lai đã dịch từ lâu.
Nhứt là anh Lê-Thọ-Xuân, cặn kẽ lúc chỉ bảo, tận tình khi sửa chữa, tỉ
mỉ trong ấn loát. Một người « Anh » với nghĩa tốt đẹp của danh từ ;
Vì sự lương thiện của trí óc trong khi trước tác ;
Vì sự thành thật đối với mình, với đời, với nền văn học ;
Chúng tôi trân trọng xin đọc giả nhận rõ điều nầy :
Khi gặp những câu dịch gọn gàng, ăn khớp với nguyên văn, bạn nên
nhớ đó là công, đó là tài của Cụ, thầy chúng tôi ;
Khi thấy câu văn bất thành cú, khi gặp những lỗi lầm, chỗ dịch sai, bạn
nên chắc chắn là vì sự dốt nát của
DƯƠNG-TẤN-TƯƠI