Mãn chưa hài lòng, còn lôi cả lịch-sử nhà Tống để gán cho Đông-Lai tội
làm yếu sức kháng-chiến. Coi thế mới hiểu vì đâu vua Sở, với binh hùng,
tướng mạnh, lại phải chịu cuốn cờ xếp giáp để lìa khỏi bờ Lạc-thủy.
Sau khi nhắc lại vài chi-tiết của thời Đông-Châu, tóm-tắt các ý-niệm
của Đông-Lai, bàn đến đôi cách lập-luận, trình ít lối so-sánh để đo giá-trị
của mấy bài bác-nghị, chúng tôi mới nói đến sự phong-phú « do sách
thưởng tặng cho các độc-giả trung-thành ». Nhơn dịp ấy, chúng tôi giới-
thiệu loại văn « mô-phỏng » (pastiche)
ít hay dùng trong xứ ta. Lối văn
đó rất thạnh-hành ở Âu-Mỹ vì vui-vẻ, chỉ cho độc-giả thấy cách dụng-ý và
hành-văn của tác-giả. Khi « bắt tật » được, người « mô-phỏng » phải khéo
« cóp » cho giống văn của tác-giả, để cho độc-giả có thể ngộ-nhận, nhưng
muốn đúng phép, phải làm sao cho độc-giả đừng lầm. Thú-vị và tài-nghệ
đều ở tại đó : vừa đồ theo cho giống vừa để lộ vài chỗ hơi vụng cho độc-giả
cảm thấy đây là một lối chơi văn chớ không phải cách đạo văn.
Sở-dĩ chúng tôi « gắn-bó », nói đi rồi lặp lại, không sợ thừa lời, vì thấy
sự hữu-ích vô-ngần của Đông-Lai bác-nghị. Hữu-ích vì tư-tưởng mới-mẻ, vì
nhận-xét rất tinh-tường về chánh-trị, luân-lý hay tâm-lý. Hữu-ích nhứt là
cách nghị-luận chặt-chẽ và sáng-sủa. Nhứt là đối với chúng ta, một dân-tộc
quá giàu tình-cảm, thường quả-quyết theo lòng, ít khi giải-quyết bằng trí.
Vì đó, chúng tôi nuôi ảo-vọng giúp các bạn trẻ hiểu Đông-Lai để yêu
nghị-luận, thích văn : « Bác-nghị » để rèn-tập cho mình một lợi-khí sắc-bén
trong cuộc tranh sống. Vì biết suy-xét một vấn-đề đặng tìm luận-chứng, biết
sắp-đặt lý-lẽ để trình-bày cho phân-minh, là yếu-tố đầu-tiên của sự thành-
công. Biết dìu-dắt cuộc thảo-luận, biết nhấn mạnh chỗ thiết-yếu, nơi quan-
trọng để ép người đối-thoại phải nhìn-nhận quan-điểm của mình, tức đã
gần đến chỗ đắc-thắng.
Vì thấy có thể dùng những bài bác-nghị của Đông-Lai để làm khuôn-
mẫu cho các bạn học Lý-luận, chúng tôi mới cam tội lắm lời… Các bạn