nơi may-mắn ». Nhận thấy có thể dùng chuyện « vua Sở hỏi đến chín đỉnh »
để chứng-minh ý-kiến trên. Đông-Lai cho dân nhà Chu « mượn » thêm vài
câu : « lưỡi ta còn, có sợ chi giặc ! », hoặc : « sau nầy có cuộc xâm-lăng…
chỉ cần sai một biện-sĩ »… để gò, ép, uốn, nắn thời-cuộc theo cho đúng ý
mình đó thôi !
Muốn cho cuộc tranh-luận thật đầy-đủ, chúng tôi xin mở rộng vấn-đề
và tạm nhận Đông-Lai hữu-lý, nghĩa là nhà Chu suy sụp tại lòng khinh-
thường hoạn-nạn với lòng tin-cậy vào sự cầu may của thiên-tử và công-
khanh. Nếu thật vậy cũng không thể bắt tội Vương-tôn Mãn nầy được ! Vì
một lý rất giản-dị : « không quyền-hành là không trách-nhiệm ». Đông-Lai
là người thông-thái tại sao không hiểu lẽ đó ?
Chúng tôi chỉ có một nhiệm-vụ là cầm chơn quân Sở : nếu sứ-mạng
không tròn thì cam chịu lời khiển-trách của đấng Chí-tôn. Kế cầu may đã
thành thì phận-sự đã trọn. Còn văn-hóa, còn cách chọn người giúp việc,
đâu phải là trách-nhiệm của Mãn nầy. Như vậy, hỏi tội chúng tôi có phải
Đông-Lai bắt-buộc tổng-trưởng Ngoại-giao chịu những lỗi-lầm của bộ
Quốc-gia giáo-dục chăng ? Nếu không phải là người lập-dị, trong đời có ai
binh-vực một điều bất-công như thế bao giờ ?
Tội-lỗi của Đông-Lai còn to-tát hơn nhiều ! Chẳng những bị tiếng
hiếp-bức lịch-sử, uốn-nắn sự thật để chứng-minh tư-tưởng, chẳng những
phải chịu tiếng xử-đoán bất-công, xét người bất-minh, họ Lữ còn phải chịu
trách-nhiệm nặng-nề về sự điếm-nhục của Trung-Hoa. Quê-hương yêu-quý
của chúng tôi bị bọn man-di giày-xéo, bôi lọ, nhà Tống bị ô-nhục, dân
chúng Hoa-hạ bị tàn sát, bị đưa đến cảnh lầm-than rồi vào vòng nô-lệ, đối
với bao nhiêu tai-nạn thảm-khốc ấy, đứng trước công-luận, Đông-Lai phải
lãnh một phần trách-nhiệm nặng-nề !
« Luận người là mượn sở-đoản của người để trị sở-đoản của mình,
mượn lầm lỗi của người để trị lỗi-lầm của mình, vì bàn là chủ-ý nơi mình