- Hết giặc về tôi sẽ cùng bà đẻ thêm thằng cu nữa. Hòa bình đời sống
sẽ no đầy tốt đẹp hơn. Bà cố gắng tần tảo nuôi cái Khăn, cái Lụa cho tôi
nhá!...
Và ông đi với niềm hy vọng giản đơn vậy. Ngày giải phóng Điện Biên
ông về làng quê hối hả vui mừng, cứ ngỡ cái làng sẽ đùm bọc và ấm áp
hơn. Ai rày đùng một cái khi có cuộc đánh đổ phú nông cường hào gia đình
bà lại li tán, làng xã những người từng góp lợn góp trâu bò ủng hộ kháng
chiến lại bị tố giác là cường hào địa chủ, bóc lột. Những người tố, khẩu khí
lại toàn là vu oan giá họa, do bực tức tư thù cá nhân mà mượn gió bẻ măng,
trong đó có cả thằng Bành con rể bà. Bây giờ nó vẫn lại trơ trơ ra đấy. Đời
người oái oăm nhiều việc không lường trước được. Bây giờ đất nước lại có
loạn, những người tốt, nhiệt tình với nước non lại lên đường, lại mang tuổi
trẻ phụng sự đất nước với một mong muốn khi nước nhà độc lập mọi người
đoàn tụ ai cũng có tổ ấm gia đình có trâu cày ruộng cấy, con cái sinh sôi
được ăn, được hoc. Thế hệ chồng bà ra đi cũng chỉ một mong muốn ấy, bây
giờ lại đến các cháu, cụ thể là thằng Hữu. Rồi đây lại cả thằng Tùng, thằng
Phú thậm chí cả cái Dần nữa. Bom đạn, tàu bay tàu bò cứ ùng oàng thế này
biết bao giờ mới yên. Chúng nó ra đi vì nghĩa vụ với nước non là một nhẽ,
nếu có chết cũng một nhẽ vì nước vì non. Đau xót một tí nhưng là niềm tự
hào lớn lao. Bà thấu tỏ điều này nhưng bà chỉ sợ sau này lại có những
chuyện khác lặp lại như cái ngày đánh đổ cường hào thì cực lắm. Những
người ra đi như thằng cháu Hữu hôm nay liệu ngày trở về có yên thân hay
lại lâm vào cảnh tương tự như ông bà thì tội nghiệp, thì thật là dã tràng se
cát!... Bà thở dài cố vùi cái suy nghĩ vừa như que diêm nhòe ra và lọ mọ
đứng dậy vảy cái bím cau cho sạch nước rồi lọ mọ đi vào bếp. Cái Dần lại
bo lấy vai bà, giọng thỏ thẻ:
- Cơm chín rồi đấy bà ạ!
- Ừ, cháu nhấc ra, để cho nó ráo rồi bà nắm vào cái mo cau này.