thấy toàn thân thể Hữu đầm đìa máu. Đại đội phó Đức và y tá Thắng cũng
trườn tới. Họ nâng Hữu dậy. Thắng mở túi thuốc băng bó các vết thương và
cho gọi bộ đội vận tải nhanh chóng chuyển Hữu về tuyến sau. Khi cái cáng
chuyển động, Hữu còn cố ngóc cổ bảo đại đội phó Đức:
`- Nó bắn vu vơ, nhớ giữ bí mật tuyệt đối, tớ ra viện cố gắng về kịp
chiến dịch.
Cái cáng từ từ luồn rừng di chuyển. Mọi người nhìn theo rồi lặng lẽ về
vị trí sẵn sàng cơ động vào chiến dịch lớn. Chiều cũng bắt đầu tắt nắng, gió
từ phía rừng Lào thổi sang mang theo hơi nóng hầm hập. Đức chui vào căn
hầm của Hữu, mùi khói đạn cuộn vào vẫn khét nồng nặc. Đức kéo cái ba lô
của Hữu ở đầu cánh võng, bấm cái đèn gù cho sáng lên, mở nút ba lô ra,
trong ấy chỉ gỏn gọn có bộ quần áo lót, cái bản đồ chiến dịch và một quyển
sổ tay cỡ lớn hơn bàn tay một chút đã rách sờn các mép và loang lổ vết
lấm. Đức lẳng lặng đọc từng trang: " Ngày 19 tháng 5 năm 1967. Mình lẫn
trong đoàn xe màu xanh khuất xa cuối con đường. Dần vẫn đứng nhìn theo,
trong mắt Dần vẫn còn đọng ánh trăng và thổn thức những điều rất mới mẻ,
lạ lùng khi cả hai đứa cùng ngã xuống nền đất dưới gốc cây bồ kết, nơi ấy
Hữu đã từng chảy máu vì cẩu thả khi gồi cành bồ kết lấy quả để Dần ra chợ
bán lấy tiền cho cả đám cải thiện và đóng học phí. Cành bồ kết đổ ngang,
gai nó cắm vào bả vai Hữu, máu chảy xuống đất. Dần ơi, chính chỗ này lại
là nơi chứng kiến phút ân tình đầu đời của chúng ta và cũng chính là chỗ
chúng ta chia tay để đi về mọi miền đất nước, đất nước trong những ngày
nước sôi lửa bỏng! Hữu rất vui nhưng chỉ sợ nơi ấy sẽ thành kỷ niệm vĩnh
hằng bởi từ đây Hữu là người lính, mà khỉ thật, cuộc đời Hữu sinh ra những
chuyện vui buồn đều có máu cả! Ngày mai ra trận chắc trên cơ thể Hữu sẽ
còn bị chảy máu nhiều hơn nữa! Hữu linh cảm thế, Dần ơi! Nếu đây sẽ trở
thành kỷ niệm vĩnh hằng của chúng ta thì cũng là số phận, Dần đừng làm
núi Vọng phu nghe!... "