Nhiều lúc Thăng cứ tưởng chị là cô tiên từ cổ tích huyền thoại bước ra.
Thật mà hư, hư mà thật nhưng cuộc đời chị là có thật. Chị bao bọc thương
yêu thằng bé Hữu côi cút là có thật. Chị kiên cường chống lại những bất
công của cuộc đời, tự mình vươn lên và nuôi dưỡng đứa con của mối tình
huyền thọai là có thật. Chị cứu sống bé Trầm là có thật và bây giờ chị có
cái phòng bệnh ở làng Thông chuyên chữa bệnh cho dân thường là có thật.
Không biết ánh lửa diệu kỳ nào đã soi sáng để chị có nghị lực tự vượt lên
số mệnh, bước qua nhiều rào cản để tự tạo ra chính mình giữa cuộc đời còn
lúc nhúc bao nhiêu điều chật hẹp. Kỳ vậy, có lẽ ánh lửa ấy được le lói từ cái
chai đèn đom đóm, cái chai đèn đã từng soi cho tuổi thơ và những quyết
định đúng đắn của Hữu trên chiến tuyến chống quân thù năm xưa... Thế
đấy, trong đầu Thăng lại nhập nhòe câu nói của Hữu giữa bụi mù bom đạn:
" Người lính không có con đường thứ ba, chết xanh cỏ, sống thì đỏ ngực.
Nhưng hết cuộc chiến nếu là kẻ sống sót thì cũng đừng mang cái ngực đỏ ra
để làm con ngáo ộp dọa người mà phải tự thấy đau trước bao nhiêu xương
máu của đồng đội mình đã tan vào đất mà mình từng chứng kiến... Họ có
còn gì vì vậy kẻ sống sót phải biết tự xoay xở để thanh thản với linh hồn
họ. Con người sinh ra ở đất nước có chiến tranh là thế... "
Bây giờ khi cái vòng kim cô của một anh cán bộ chính trị vỡ ra, Thăng
mới thấy hết cái nghĩa trong những câu nói của Hữu mà khi ấy Thăng
thường đối lập, quy kết Hữu sai lầm... Rõ ràng trong cái đầu của Hữu nó có
chứa một thứ ánh sáng giống như ánh sáng từ con đom đóm, dẫu nó không
thể thành ngọn lửa, thành đuốc để soi sáng một con đường nhưng nó lại là
một thứ ánh sáng kỳ diệu tiềm ẩn mãnh liệt mà mưa to, bão lớn không tài
nào dập tắt được. Nó cứ le lói và sáng hết mình để cho kẻ đi đêm nhìn vào
đấy mà lần đường về với ban mai... Đó là thân phận của con đom đóm!
Hữu ơi! Thăng hiểu rồi, Thăng hiểu tại sao những cái chai đèn và bó roi cật
nứa, những đồng tiền xương máu của Hữu vẫn được con người cất giữ đến
giờ và nó đang được góp vào làm xanh lên cánh rừng của Thăng đây!
Thăng ôm mặt khóc và cứ đêm đêm khi làng xóm đã tắt ánh đèn, Thăng lại
lặng lẽ thắp hương khấn Hữu và ra đứng đầu hè nhìn những con đom đóm