tính được những bất trắc xẩy ra, nên chị em con cũng phải chịu nhiều cực
khổ. Nhưng bây giờ lão ấy bị nạn. Trong lúc giáp đất xa trời, được sự chăm
nom của mọi người và chúng con, qua được giây phút hiểm nghèo, lão ấy
hối hận và cứ khóc suốt cả ngày. Lão ấy đã tự xưng bố và coi con như ruột
thịt. Con cảm nhận được điều ấy khi mỗi lần tắm giặt, bón cơm, bón cháo
cho lão ấy ăn. Những giây phút ấy hai hố mắt lão đầy nước và lão cứ gọi
tên bầm. Nom tội nghiệp lắm! Vì thế con quyết một lòng phải cứu lão ấy.
Nhà mình nghèo, con đã tìm được đồng bạc của bầm để dành cho còn cất ở
dưới đáy cái vại nước, con đã bới lên rồi. Chị em con định bụng sẽ lấy
đồng bạc này để đi lấy thuốc chữa cho lão ấy. Con chắc khi khỏi bệnh lão
ấy sẽ tử tế và sẽ làm được cái nghĩa vụ là cái cột nhà cho các con dựa để
lớn lên làm một con người ở làng Thông như mong muốn của bầm. Bầm có
bằng lòng không? ... "
Tự nhiên trong lòng bàn tay thằng Hữu như có luồng gió thổi qua mát
rượi! Và bên tai nó văng vẳng giọng của bầm nó. " Con cứ làm theo điều
con nghĩ! Bầm tin con lắm!... "
Thằng Hữu thấy trong lòng mát mẻ lạ thường. Nó lẳng lặng cất đồng
bạc vào cái túi rếp và khời bếp nấu cháo cho lão Bành. Cháo chín, thằng
Hữu đánh nhuyễn, ân cần bón từng thìa cho lão Bành ăn. Việc xong, thằng
Hữu lặng lẽ ủ nồi cháo vào bếp tro, ngoan ngoãn bảo lão Bành:
- Bố ở nhà cứ nằm nghỉ, đừng cố cử động quá sức mà nhỡ ngã lúc
không có ai thì lại khổ. Chiều nếu con về muộn, cái Dần hoặc bà Tứ sẽ đến
lấy cơm, cháo cho bố ăn.
Lão Bành tròn mắt nhìn thằng Hữu, giọng lão như có nước mắt:
- Thế con đi đâu?
- Con lên Đồng Mụng tìm nhà ông lang lấy thuốc cho bố mau khỏi!