BÀI TỰA
Lịch-sử nhân-loại, khắp trên trái đất, từ một nước đại văn-minh đến
những dân tộc bán khai, hay một bộ-lạc còn mọi rợ, không cứ một chủng
loại nào, cũng đều có cách chữa bệnh riêng biệt, tùy theo từng giống người,
từng khí-hậu, từng sản-vật, thảy đều có hiệu năng riêng biệt của nó.
Những phương-pháp trị-liệu (chữa khỏi bệnh) đều do sự kinh-nghiệm
lâu năm, đã được ghi chép bởi những người trước để lại ngành y-dược vì thế
mà phát-sinh.
Trải hơn bốn ngàn năm, ngành y-dược đông-phương sớm được nẩy nở.
Từ vua Thần-nông nếm cỏ tìm thuốc, kế tiếp những tiên-thánh, tiên-sư,
tham-khảo phát-minh, rồi sau các nhà chuyên về y-học, mỗi thời đại lại
thêm bổ-cứu, những loại sách như : Bản-thảo, Phương-thư về y-dược, chồng
chất như rừng như núi, một vùng Đông-Nam-Á như : Trung-quốc, Nhật-bản,
Cao-ly, Việt-Nam vân vân đều chịu ảnh-hưởng về y-dược Đông-phương.
Ngày nay thế-giới văn-minh, theo trình-tự tiến-hóa của nhân-loại, các
nước Âu-Mỹ lấy y-dược làm yếu-tố cho sự sống còn của một dân-tộc.
Ngành y-dược được khuyến-khích và phát-huy một cách mạnh-mẽ. Riêng về
y-dược Đông-phương như : Trung-quốc, Nhật-bản, Cao-ly, và các nước
khác, những y-sĩ, dược-sĩ, đã du-học Âu-Mỹ lúc trở về nước họ, đem những
cái sở-đắc về học-thuật, theo khoa-học tối-tân, để áp-dụng như : điện-khí,
hóa-chất để khảo-cứu thí-nghiệm cho nền y-dược của chính nước họ, họ đã
mang về cho nước, cho dân những cái hay, mới, lạ, họ đã đạt được nhiều
kết-quả tốt đẹp, có thể tỏ cho thế-giới biết là y-học Đông-phương không
chịu lạc-hậu vậy.
Về y-dược Việt-nam, nước ta chịu ảnh-hưởng của Hán-văn đã lâu đời,
nhưng văn-ngôn tự-vận từ trước ta đã hoàn-toàn Việt-hóa cả rồi (đọc theo
âm Việt), thế-giới ngày nay, việc nước nọ mượn chữ của nước kia là thường,
như Nhật-bản mượn chữ Hán mà đọc thành âm Nhật, như người Pháp mượn
chữ của La-tinh, như Hoa-kỳ dùng chữ Anh, như những chữ khoa-học người