Ba Chung trầm ngâm chưa trả lời câu hỏi. Đứng nhìn con đường mờ mờ
anh nhớ tới lời dặn dò của Hiền. Trước khi lên Sài Gòn Hiền đã dặn người
anh bà con của mình là phải đề phòng cẩn thận khi mở các cuộc phục kích
ban đêm. Hơn ai hết Ba Chung biết rõ về cái tính cơ mưu và quyền biến
của Mười Tình. Không ai có thể lường được tên đại đội trưởng du kích nổi
tiếng sẽ tính toán ra sao. Hắn có thể bất thần trở lại Lương Hòa để mở cuộc
công đồn một cách bất ngờ. Ba Chung mỉm cười nhớ lại thời còn học lớp
năm. Anh, Hiền và Mười Tình là ba đứa trẻ đặc biệt nhất trong số mấy chục
học trò của trường sơ học. Cô giáo Thu đã tỏ ra có biệt nhãn với ba đứa trẻ
nghịch ngợm, ngang bướng nhưng hiếu học, nhất là mê đọc truyện Tàu như
Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc hay Xuân Thu Oanh Liệt.
Dường như cá tính đặc biệt của ba đứa trẻ lộ ra bằng các nhân vật mà
chúng chọn lựa để tôn vinh là anh hùng. Mười Tình thích Tào Tháo. Mặc
dù con gái nhưng Hiền lại ngưỡng mộ Gia Cát còn Chung chọn Quan Vân
Trường. Là bà con, lại ở cùng làng nhưng ba đứa lại không cùng phe với
nhau. Chung thường hay hợp với Hiền để kình chống lại Mười Tình. Thời
thế đẩy đưa, khi lớn lên Mười Tình theo Mặt Trận rồi trở thành đại đội
trưởng du kích còn Hiền thành xã trưởng và y như trong truyện Tam Quốc
Chí, Chung là đại đội trưởng nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Hiền.
Anh Ba... Mình đi ngả nào anh Ba?
Câu hỏi của Tất khiến cho Ba Chung ngừng suy nghĩ.
Theo chú mày thằng Mười Tình đi ngả nào?
Từ miệt Lương Bình dìa đây chỉ có một đường lớn là đi theo lộ đá. Nhưng
tui chắc thằng Mười Tình nó không đi khơi khơi như vậy để cho mình phục
kích nó đâu anh ba...
Ba Chung gật gù.
Chú nói không trật chút nào. Không đi theo lộ đá thời nó phải theo đường
tắt. Nó phải băng đồng...
Tư Lia Thia, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 xen vào câu chuyện.
Mười Tình khôn lắm anh Ba. Băng đồng xong thằng chả men theo bờ sông
dô vườn thơm rồi lủi xóm nhà dân. Từ đó thằng chả luồn qua nhà thờ để
đánh vào ngang hông đồn của mình...